Công bộc 'mượn' nhà

TP - Chuyện thời còn chưa xưa lắm, có một giai thoại vui mà cánh sinh viên quê ở Việt Trì (Phú Thọ) hay kể cho nhau đó là: Thời bao cấp, anh bạn ở cùng phòng “mượn bánh xà phòng”. Chuyện là, mỗi lần giặt quần áo, anh bạn này lại quên xà phòng và thường ới bạn bên cạnh hỏi “mượn”. Nhưng giặt xà phòng thì sẽ hao, nếu cứ “mượn” mãi thì bánh xà phòng sẽ bay đi hết.

Năm 2017, truyền thông từng rộ lên việc một ông bộ trưởng khi về hưu đã hết tiêu chuẩn được thuê vẫn chưa trả nhà công vụ được cấp lúc đương nhiệm. Vụ việc sau hồi ồn ào và được dư luận hỏi thăm đã dịu xuống khi cựu bộ trưởng lên tiếng nhất trí trả lại nhà, thanh minh vì lí do khách quan nên chậm trả (tất nhiên, việc trả chỉ được thực hiện sau khi báo chí vào cuộc mổ xẻ kỹ).

Còn hai ngày nay, câu chuyện mượn nhà một lần nữa lại được “xới” lại khi Bộ Xây dựng đột nhiên gửi “trát” thông báo đòi nhà công vụ đã được cấp cho 12 cựu quan chức khi họ đang trong thời gian làm việc. Họ vốn là những người giữ những vị trí, công việc quan trọng trong các cơ quan Đảng, đoàn, Quốc hội. Lạ là, người ít nhất  thì lần thứ hai nhận được thông báo, còn  hầu hết đều đã nhận tới 3-4 lần.

12 cựu quan chức mà Bộ Xây dựng "đòi nhà", chủ yếu mang hàm thứ trưởng và tương đương đã bị nêu đích danh về việc chây ỳ trong trả nhà công vụ. Sẽ có câu hỏi đặt ra là phải chăng các công bộc này quên hay không muốn trả? Thực tế, cũng đặng chẳng đừng, Bộ Xây dựng mới phải công khai danh tính 12 người được phân nhà công vụ này.

Và đúng như dự đoán, họ đã lập tức liên lạc với cơ quan công quyền bày tỏ cam kết, “hứa” sẽ trả lại nhà đang đi mượn, có người còn xin khất chờ dịch COVID-19 qua đi sẽ trả ngay.  Tuy nhiên, phóng viên tìm gặp thì trong  12  cựu quan chức này, chỉ một người  bắt máy thừa nhận có sự chậm trễ vì muốn chờ cơ chế hóa giá để mua lại nhà; số còn lại tìm cách “né” giới truyền thông.

Nhà công vụ là một phần cấu thành chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ trong giai đoạn trước đây. Việc Chính phủ cấp nhà công vụ cho  các “công bộc” của dân mượn (hay thuê với giá tượng trưng) trong  thời gian họ đương nhiệm không nằm ngoài mục đích là cấp dịch vụ cần thiết bảo đảm cho họ yên tâm “an cư” và dốc lòng vì dân, vì nước. Còn nay, khi họ đã về hưu thì xét đến cùng, những công bộc đó sẽ không còn lí do để “găm” giữ nhà công vụ. Nếu họ cố tình giữ và ở, nó cũng đồng nghĩa họ vẫn đang cố tình tiêu tiền từ ngân sách Nhà nước - bản chất là tiền thuế của người dân nộp.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội trả lời truyền thông nói rất đúng rằng: “Khi họ thôi làm công vụ rồi thì phải trả lại tài sản cho Nhà nước. Việc rõ như ban ngày thế, làm sao chây ỳ được".  

MỚI - NÓNG