Công thổ quốc gia

Hôm nay, 30/6, Quảng Ngãi khởi công một quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái rộng gần 4 ngàn héc ta vùng biển Bình Sơn. Như vậy sau gần 1 năm “hoãn binh” trước phản ứng gay gắt của dư luận, cuối cùng dự án “khủng” này cũng được thông qua. Nhà đầu tư lập tức tới tấp mở bán đất với quảng cáo “biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn mini, shophouse, shopvilla mặt biển chỉ từ 2 tỷ đồng”!

Trong lúc bức xúc đất đai cả nước lại đang nóng hơn bao giờ hết. Kết luận về sai phạm tại Thủ Thiêm mấy ngày qua đang khiến dư luận bàng hoàng. Một khối đất đai khổng lồ thuộc công thổ quốc gia đem giao cho nhà đầu tư, nhưng nhà nước lại “lỗ” hơn 8.700 tỷ đồng! Còn nhà đầu tư thu lợi hơn 17.000 tỷ đồng từ chênh lệch giá đất! Cùng lúc tại siêu dự án Long Hưng (Đồng Nai), “lửa” lòng dân đang nóng hơn bao giờ hết. Khi hàng ngàn héc ta đất của dân bị thu hồi giao cho nhà đầu tư làm thương mại để nhận lấy khoản đền bù thấp hơn giá phải mua lại hàng trăm lần!

Công thổ là tài nguyên lớn nhất, và cũng là nguồn lực mang tính chiến lược, lâu dài nhất của quốc gia. Phát triển kinh tế bằng cách "bán sỉ", giao trắng mỗi lúc hàng ngàn héc ta đất đai, cả núi rừng sông biển, chưa nói tương lai xa, mà ngay thế hệ kế cận biết lấy gì để phát triển, để phục vụ dân sinh? Nhiều thành phố lớn bây giờ muốn làm bãi xe công cộng, trường học, điểm vui chơi cho dân cũng không còn một mét đất nào. Đụng vào đâu cũng phải đền tiền tỷ, thứ không gian từng một thời vung vãi, ban phát.

Như một gia đình không lo đầu tư cho cái học hành để có tương lai thực sự, mà chỉ nhìn quanh quẩn tìm cách cắt vườn cắt nhà để bán. Thực trạng cái gọi là “phát triển kinh tế xã hội” của nhiều địa phương hiện nay chỉ là như vậy sao?

Đà Nẵng sau cơn lốc phát triển nóng về đất đai, ào ạt bán đất nuôi ngân sách, nay đang phải chật vật thu lại từng mét đường xuống biển cho dân. Khi các resort đã bao kín hầu hết mặt biển. Chật vật với hàng đống dự án chiếm đất san sống lấp biển, sân vận động được bán buôn kiếm lời, phá vỡ quy hoạch, gây bức xúc dân chúng.

Thủ Thiêm mai này có thể sẽ là đô thị sáng giá, nhưng cái giá mà người dân và nhà nước phải trả là quá đắt. Hàng ngàn hộ dân, hàng chục ngàn tỷ đồng. Liệu có xứng để đánh đổi. Quan trọng hơn dù sau này có lung linh đến mấy, Thủ Thiêm vẫn khắc ghi lưu lại như biểu tượng của nỗi đau, mất mát, của nước mắt dân lành. Liệu có xứng đáng đánh đổi?!

Và quan trọng hơn cả là “lửa” lòng dân. Còn nhớ hồi tháng 5 năm 2018, chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo 27 tỉnh thành có nhiều điểm nóng khiếu nại đất đai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chất vấn: “Người dân sống bằng cái gì khi chúng ta giải phóng mặt bằng?... Chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân, không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững”.

Và ngọn lửa lòng dân cũng được người đứng đầu Chính phủ lường trước: “Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng…”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.