Cú đúp và bài học đón FDI

TP - Cuối tuần qua (17/5), Tỉnh Long An tổ chức Lễ khởi công Khu công nghiệp Việt Phát (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) với diện tích lên tới 1.800 ha. Đây là dự án khu công nghiệp được lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh: sẽ  đón đầu “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí (có tin bên lề), với khu công nghiệp “khủng” này, rất có thể Long An đang ngắm tới “người khổng lồ” Apple vốn đã rậm rịch tính chuyện dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.  

Sau  thành công kiểm soát được dịch bệnh COVID -19  trong thời gian qua, cùng với sự ổn định về chính trị, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những môi trường đầu tư đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả bậc nhất khu vực hiện nay. Sự bùng phát của dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc cũng đang tái khởi động. Cùng lúc, hàng chục tỷ USD dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu “đổ” vào Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID – 19 làm kinh tế thế giới “đóng băng”, nền kinh tế nước nhà  đang khó khăn, “tê liệt”... đây thực sự  là tin rất vui !

Nhưng “mổ xẻ” dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam bốn tháng đầu năm, vẫn thấy quan ngại. Đó là xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt dòng vốn FDI đang ồ ạt từ Trung Quốc chảy vào mua doanh nghiệp Việt. Là quốc gia phục hồi sau COVID-19 sớm hơn các nước khác, nhà đầu tư Trung Quốc đã rót vốn đầu tư qua hình thức M&A doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh (lên đến 557 lượt, tổng vốn góp hơn 230 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái). Họ mua những doanh nghiệp nào? Thống kê cũng cho thấy các lĩnh vực được rót tiền nhiều đó là công nghiệp chế tạo (822 thương vụ với giá trị hơn 1 tỷ USD) bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (với hơn 1000 thương vụ giá trị trên 500 triệu USD)

 Điều này đáng ngại đến đâu? Như lời một đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư chia sẻ, còn phải chờ tổng hợp phân tích  toàn bộ “cơn sóng” FDI của cả Việt Nam và trên thế giới. Nhưng bước đầu dòng vốn cũng "lộ" mặt trái với hai vấn đề: Ngoài nguy cơ bị thâu tóm, việc góp vốn mua cổ phần tăng nhanh còn tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể như có những doanh nghiệp FDI có thể vào Việt Nam để “rửa xuất xứ” hàng hóa trước hàng rào thuế quan của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Năm 2018, tổng kết 30 năm mở cửa thu hút vốn FDI, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đó đã nêu lên 5 vấn đề lớn: Phải bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; phải gắn với phát triển bền vững; có chính sách chủ động phát triển doanh nghiệp trong nước lớn mạnh và gắn chặt với việc phải bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực quốc gia.

Nhận dòng vốn nước ngoài, còn nhiều mặt trái mà Việt Nam chưa thể xử lý. Nhưng những  bài học “khắc cốt ghi tâm” bên lề về vốn FDI như: Các chiêu chuyển giá, hệ lụy môi trường nay còn mới như in. Có lẽ trong lần chờ đón "cơ hội vàng" về làn sóng đầu tư FDI đang dịch chuyển mạnh mẽ vào thời điểm này, Việt Nam đã đủ trưởng thành đề rút ra kinh nghiệm. 5 bài học cũ cùng cách xử trí  linh hoạt đặt lợi ích quốc gia lên trên tới đây sẽ là những barie "chắn" và "nắn" dòng vốn FDI chảy đúng luồng.

MỚI - NÓNG