Cú hích

Cú hích
TP - Kinh doanh, buôn bán ban đêm được coi là một hướng phát triển kinh tế mới và thường được gọi với cụm từ “Kinh tế đêm”.

Hoạt động này được phát triển tại Việt Nam những năm gần đây, nhất là ở các thành phố lớn và các trung tâm du lịch, bằng việc nở rộ các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng về đêm; hình thành các phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm và gần đây là sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi hoạt động xuyên đêm.

Theo một thống kê chưa đầy đủ hồi năm ngoái, cả nước có trên 2.300 cửa hàng tiện lợi, trong đó khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, tập trung chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Kinh tế đêm giúp nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Mô hình kinh tế đêm đã được phát triển mạnh, thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan...

Năm ngoái, Chính phủ đã thúc đẩy các bộ ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động nghiên cứu chính sách thúc đẩy kinh tế đêm của Trung Quốc.

Việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm là biểu hiện rõ nét về sự thay đổi tư duy, xem đêm như một nguồn tài nguyên mới, giàu tiềm năng và dư địa.

Thay vì để nguồn tài nguyên này ngủ vùi, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đang nỗ lực đánh thức nó. Trước nhất là tái kích hoạt hoạt động kinh tế đêm vốn có sau thời gian án binh bất động, lâm cảnh đìu hiu vì dịch COVID-19. Tiếp đến và cao hơn nữa là thể chế hóa chính sách phát triển kinh tế đêm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Quyết định này được kỳ vọng là cú hích đánh thức kinh tế đêm bởi độ mở của chính sách và những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cụ thể, rõ ràng. Trước nhất là ở độ mở của khung thời gian, các hoạt động dịch vụ ban đêm sẽ được phép kéo dài từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiến hành nghiên cứu sản phẩm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, chú trọng tới khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể.

Các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh tế đêm và nhằm tạo nguồn cho các chi phí phát sinh liên quan tới quản lý kinh tế đêm cũng được xem xét tính đến. Thêm nữa, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự cho hoạt động kinh tế đêm và an toàn cho du khách cũng được đặt ra, trong đó có việc nghiên cứu thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.

Kinh tế đêm đã được đặt trên bệ phóng. Tuy nhiên, vẫn còn thấp thoáng đâu đó những lo ngại, bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp từ chủ trương đến hiện thực hóa là một khoảng cách rất xa. Chủ trương, chính sách dù hay nhưng cũng sẽ khó có hiệu quả như mong muốn nếu những cơ quan hữu trách và các cá nhân liên quan không quyết liệt, công minh và tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.