Cụng ly qua vách ngăn

TP - Đó là hình ảnh những nhà hàng, quán bia Hà Nội “thời COVID thứ 2” những ngày này. Cái thời mà trăm năm sau, con cháu nếu vẫn còn internet để dùng, sẽ còn thấy lại cảnh cha ông mình ngồi nhậu cùng nhau nhìn nhau cụng ly với nhau qua vách kính.

Nào chỉ xứ Việt, khắp thế giới văn minh lúc này, hộp đêm mỗi người “nhốt” mình trong một lồng kính, nhà hàng mỗi bàn riêng một lồng chụp trong suốt, vào quán toàn thấy lực lượng manơcanh ngồi gác chân chiếm ghế để tạo giãn cách.

Ngồi ăn nhậu với hình nhân bằng nhựa, còn đỡ. Đà Nẵng và nhiều nơi lúc này còn không được ngồi với nhau nơi công cộng.  

Tên chủ quán nhậu tên Nhắng ở xứ quan họ ra sức lăng nhục, rồi quật dép vào mặt vào đầu khiến nữ thực khách đang quỳ ngã lăn lên cơn co giật. Vì tội “dám” lên mạng chê món ăn, “hất đổ” nồi cơm của chúng. Cảnh tượng được bọn Nhắng này quay phát trực tiếp trên facebook, xem như bình thường.

Lại nghĩ tới nồi cơm nghèo của nhà anh bắt rắn ở Tây Ninh. Anh này đến chết cũng không chịu buông con hổ mang chúa khổng lồ, cả hai ôm cứng lấy nhau trên băng ca cấp cứu. Nghe chị vợ nói ảnh là thợ hồ bị tai nạn mất sức lao động, nên liều mình bắt rắn kiếm ít tiền nhập học cho mấy đứa con. Anh bắt rắn giờ vẫn đang trong tình trạng nguy kịch vì nọc rắn phát tác, trong khi mạng xã hội đang chia nhiều phe. Người quyên góp tiền giúp đỡ, kẻ lớn tiếng chê bai việc bắt động vật trong sách đỏ…

Khay cơm trưa văn phòng trị giá 29 triệu đồng đang gây bão trên mạng, có thể chỉ là kiểu quảng cáo của nhà hàng nào đó ở Thủ đô. Nhưng khi những chai rượu vài trăm triệu, điếu xì gà cả chục triệu đồng vẫn được xài đều đặn ở xứ này, thì suất cơm ấy vẫn chưa “đủ tuổi”… 

Chúng ta đang mắc nhiều nhầm lẫn, dễ thấy như chuyện giàu, nghèo. Rằng xã hội càng có thêm nhiều người giàu, sẽ kéo nền kinh tế đi lên? Thực tế là, khi tỷ lệ thu nhập của tầng lớp thượng lưu tăng lên 20%, thì lại khiến cho nền kinh tế đi xuống. Kinh tế của một đất nước chỉ phát triển khi tỷ lệ thu nhập của tầng lớp người nghèo và trung lưu được tăng lên mà thôi. Đó là kết quả nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (tháng 6/2015), chứ không phải của một người viết báo như tôi nghĩ ra.

Người Nhật đang tìm cách giải tỏa nỗi sợ về dịch COVID bằng cách sử dụng dịch vụ chui vào nằm trong… quan tài. Kiểu “dĩ độc trị độc”.

Kỳ thực, chúng ta cũng nhầm lẫn không ít về nỗi sợ. Sợ bằng nỗi sợ lây lan từ người khác. Sợ là gì? Nói như Dale Carnegie, tác giả của “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, thì nỗi sợ hãi chẳng tồn ở nơi nào khác ngoài trí óc. Cũng như hạnh phúc, chẳng phải mình là ai, có những gì, mà phụ thuộc vào việc mình nghĩ gì. Có thể được hiểu là nhân sinh quan, là hành vi của mình mới nắm quyền quyết định.

Những vách kính, lồng kính nhốt riêng, cách ly con người với nhau vì virus corona hẳn sẽ còn duy trì và nhân rộng ra thêm ít nhất hai năm nữa, như cảnh báo của các chuyên gia y tế. Rồi sau đại dịch này, sẽ còn những mối đe dọa nào tiếp theo, khi loài người có vẻ như đã “đạt đỉnh” về mọi thứ, đến lúc phải trải qua những khúc quanh định mệnh?

Khi mà chúng ta còn chưa hiểu hết về chính mình, dù không có vách ngăn nào ở giữa.

MỚI - NÓNG