Cuộc chiến với tử thần

Cuộc chiến với tử thần
TP - Bụi mịn PM2,5 bằng 1/30 sợi tóc nhưng cuộc chiến nhiều năm vừa với loại bụi tử thần này dường như chưa đạt được bước tiến nào đáng kể. Những nghiên cứu quốc tế mới nhất cho thấy, ô nhiễm không khí, cụ thể là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 ở Việt Nam gây ra cái chết ở khoảng 50.000 người.

Gần 20 năm trước, Việt Nam đã có những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra tình trạng ô nhiễm không khí ở đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội nhưng vấn đề nghiêm trọng này dường như bị lãng quên trong nhiều năm, chỉ đến năm ngoái, khi xuất hiện hàng loạt hệ thống quan trắc trong và ngoài nhà nước, ô nhiễm không khí mới được rung hồi chuông báo động nhưng hiệu quả đạt được là chưa đáng kể.

Việt Nam đang thiếu rất nhiều “vũ khí” trong cuộc chiến này. Tại tọa đàm “Ô nhiễm không khí Hà Nội đang ở mức nào” diễn ra mới đây, các chuyên gia phàn nàn về tình trạng có quá ít nghiên cứu về ô nhiễm không khí ở Việt Nam. TS Hoàng Dương Tùng nói, nghiên cứu quá ít, người làm nghiên cứu quá mỏng trong khi nghiên cứu cực kỳ quan trọng, bởi dựa vào đó chúng ta mới có được chính sách hợp lý. Ông lấy ví dụ về việc chúng ta cấm sử dụng xăng pha chì nhờ có các nghiên cứu chỉ ra tác hại của xăng pha chì với môi trường.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kể, chừng nào Hà Nội chưa kiểm kê phát thải, xác định được nguồn thải chính, chừng đó công tác phòng chống ô nhiễm còn gian truân, bởi không thể “bắt được đúng bệnh”.

Việt Nam cũng đang thiếu dự báo chất lượng không khí, công cụ có thể giúp người dân chủ động phòng ngừa tác hại của ô nhiễm không khí, đồng thời là căn cứ để cơ quan chính quyền có thể ban hành tình trạng khẩn cấp trong ô nhiễm không khí, chẳng hạn như cho học sinh nghỉ học, đóng cửa nhà máy, hạn chế phương tiện cũ nát vào nội độ.

Ở góc độ hạn chế phát thải, các giải pháp được đưa ra nhưng được thực thi triệt để. Có bao nhiêu nguồn thải lớn được áp dụng công nghệ xử lý khí thải tiên tiến? Chúng ta thiếu một “nghị định 100” đủ sức răn đe để các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về môi trường, vẫn còn tình trạng thà nộp phạt còn hơn đầu tư hệ thống xử lý đắt tiền. Trong giao thông, đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Xe máy cũ nát, gây ô nhiễm môi trường vẫn không được kiểm định định kỳ, các tiêu chuẩn khí thải vẫn ở mức thấp và chậm triển khai. Các công trình xây dựng phá dỡ nhà cửa vẫn thực hiện mà bỏ qua các quy định về yêu cầu về đảm bảo môi trường.

Nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra, cuộc chiến với bụi mịn PM2,5 sẽ còn rất khó khăn và nan giải, bởi sẽ động chạm đến quyền lợi của nhiều đương sự. Ví như hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách thay đổi công nghệ, xử phạt sẽ động chạm đến quyền lợi, người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân không quyết liệt trong cuộc chiến này thì hậu quả sẽ rất nặng nề, như nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra, thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82 đến 13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45% đến 5,64% GDP. 

 

MỚI - NÓNG