Đam mê sự hoàn hảo

TP - Nhiều người thích nói “làm gì có sự hoàn hảo trên đời”. Thực ra có đấy. Chỉ là ta không gắng đạt tới. Ngoài ra, ta sống thế nào thì viết như vậy, làm nghệ thuật như vậy - có lẽ thế.

1/Một lần đến tỉnh lẻ nọ, chúng tôi được gợi ý thăm một nhà văn địa phương. Ông khoe thành quả lao động là bộ sách dày nặng. Trong khoảng tiếng đồng hồ ngồi trong nhà, tôi quan sát bối cảnh sống của nhà văn và lấy làm lạ.

Chủ nhân có vẻ có cuộc sống quá đạm bạc dù chỉ hai vợ chồng gần 60 tuổi nuôi nhau còn con cái trưởng thành cả rồi. Nghèo thì nhiều người nghèo nhưng vấn đề là cặp này sống quá tạm bợ, đại khái. Nóc tủ, gầm bàn, góc nhà chất đầy vỏ chai lọ, vỏ hộp..., nói chung toàn chổi cùn rế rách lưu cữu. Bàn ghế cáu bẩn nên khách không dám hớp chén nước. Trên giường, chăn màn có màu cháo lòng và bồ hóng- như lâu lắm không giặt.

Tôi dại dột ra sau nhà làm cú vệ sinh cá nhân. Nín thở mà vẫn suýt ói, không tưởng tượng thế kỉ 21 này lại có người ở bẩn đến thế mà chịu được hết ngày này ngày khác.

Đam mê sự hoàn hảo ảnh 1

Minh họa: Đỗ Đức

Nhà văn không tặng chúng tôi sách mà quan chức địa phương tặng, vì họ coi đó là tài sản của tỉnh nhà. Sách đồ sộ và đề tài ý nghĩa, song tôi không định đọc. Bởi tôi nghĩ người không tổ chức nổi một căn bếp gọn gàng để nấu nướng, cái giường tươm tất để ngả lưng, một góc nhà sạch sẽ thoáng khí để làm việc hoặc tiếp khách, thì viết khó mà hay được.

2/Trong vài phim của một số đạo diễn Việt Nam có tiếng hoặc phim đoạt giải quốc tế của vài đạo diễn trẻ (mà tôi không tiện nhắc tên), bối cảnh xảy ra chuyện phim hiện lên nhếch nhác tồi tàn nhất có thể. Nó thường là xóm ngõ phố cổ hoặc không cổ của thủ đô.  

Nếu đó là chủ ý của đạo diễn- muốn mô tả rằng bối cảnh này phù hợp tính cách và cuộc sống của nhân vật nọ, thì có thể hiểu được. Nhưng có vẻ không như thế, mà dường như đạo diễn lại có khuynh hướng coi đó là một vẻ đẹp của bộ phim; coi sự xấu xí bẩn thỉu là nét “rất Việt Nam”, “rất Hà Nội”! 

Chẳng hạn trong một phim đề tài hậu chiến khoảng hơn chục năm trước, có cảnh cặp nam nữ chính trẻ đẹp đưa nhau đến ngôi nhà rất kinh,  để tắm cho nhau. Tan phim, tôi nghe một nữ diễn viên khen đạo diễn “chọn được cái nhà hay quá” để quay cảnh tắm táp tình tứ. Đạo diễn mỉm cười vẻ hài lòng. 

Hãy xem, cũng quay căn nhà ở gần chợ- bối cảnh để cặp tình nhân trẻ tình tự nhưng phim Người tình của Jean-Jacques Annaud đầy mỹ cảm và gợi dục thế nào. Và nói chung phim Tây hay Mỹ, dù miêu tả sự nghèo khó của nhân vật ở thời đoạn nào của nước họ, thì cảnh vật cũng ít khi hiện lên xấu xí bẩn tưởi. Đâu cứ nghèo là khiến người khác phải ghê sợ. Và vẫn biết người Việt hay ở bẩn nhưng có nhất thiết bê nguyên xi thói tật đó lên phim, thậm chí làm quá lên mà chẳng để làm gì. Phản cảm, phản thẩm mỹ. 

Xem phim chuyên làm để “mai phục” liên hoan quốc tế của một số đạo diễn trẻ cũng vậy. Đã quay Hà Nội là phải chọn góc thật bệ rạc. Tưởng như thế mới Hà Nội, mới hay, mới gợi tò mò cho khán giả nước ngoài. Diễn viên chính thì lạ thay, chọn mãi mới được người vừa “vô danh” lại có ngoại hình rất kém, như thể mốt bây giờ phải như vậy. Đã hạn chế ngoại hình lại cố tình không trang điểm, khiến càng nhợt nhạt. Thân thể thì không chút gợi cảm nhưng lại được đạo diễn mô tả là vừa có người yêu lại có thể bán thân cho đại gia với giá không tồi.

Hãy hình dung, quan niệm thẩm mỹ như vậy sẽ hoàn toàn đối nghịch với Trần Anh Hùng. Không nói phim của Trần Anh Hùng là tuyệt tác nhưng đó là những gì hoa mỹ, tinh tế, trau chuốt, ý vị, đầy chất thơ và đặc biệt không biết bẩn là gì dù nhân vật nghèo đến đâu.

Đam mê sự hoàn hảo ảnh 2Minh họa: Đỗ Đức

Yêu như là sống, và sống sao viết vậy, làm nghệ thuật như vậy- có lẽ thế? Kể một chuyện vui: Nhà văn nọ đẻ như gà, sách ra liên tục, có vẻ rành về Hà Nội nhưng điều tôi thắc mắc là mỗi khi ông tả món ăn thì toàn đồ nguội? Người bạn giải thích: Là vì ngoài đời cô bồ suốt ngày cho ông ấy ăn dăm bông xúc xích mua sẵn, không nấu nướng bao giờ, nên ông chỉ viết được bấy nhiêu.

3/Slogan của thương hiệu Toto (chuyên thiết bị vệ sinh): “Toto-đam mê sự hoàn hảo”. Nghe đơn giản thế thôi nhưng đắt đấy.

Đi khắp nơi, tôi quan sát thấy rất ít người Việt dám tỏ ra rằng họ đam mê sự hoàn hảo và gắng đạt tới điều đó. Dù họ thuộc giới khá giả hoặc trí thức hẳn hoi.

Ở Mai Châu có một khu nghỉ dưỡng rất thú vị, hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên. Người chủ nơi này có vẻ đã đi rất nhiều nơi trong ngoài nước để chắt lọc cái hay mang về đây. Khu vực tắm táp của mỗi căn lán sàn chẳng hạn, được dựng giữa thiên nhiên bằng bức tường đá sỏi chứ không kín mít trong phòng. Từ thiết kế trần nhà cho đến vòi nước, hộp đựng xà phòng... đều rất hài hòa với thiên nhiên và đời sống miền núi. Những chi tiết chắc học của nước ngoài như: những mảnh vải dù đan thưa màu rêu, dùng để chụp lên các nhóm va li của khách đang để tạm ở sảnh lễ tân- mục đích khu biệt, đỡ lẫn lộn đống đồ đạc của khách nọ với khách kia. Vân vân.
Nhiều thứ ổn, nên khách Tây đông lắm. Tôi ngồi cùng các vị này xem một buổi trình diễn văn nghệ (hoạt động cố định của khu nghỉ dưỡng), thì phát hiện ra nét không hoàn hảo của nơi này: Các cô gái dân tộc múa hát rất ỉu. Động tác vũ đạo nghều ngoào, gương mặt thì như “diễn khoán”, diễn lấy lệ.

Tôi tự hỏi đã đầu tư lớn như thế sao chủ nhân không cầu kỳ khắt khe hơn. Đừng nghĩ tiết mục này chỉ là sự gia giảm, thêm thắt, ai thích thì xem không thì thôi, quan trọng gì. Đúng ra, đẳng cấp phải biểu hiện từ những tiểu tiết.  

Nên đam mê sự hoàn hảo, thì mới tiến bộ được. Thật đấy. 

Phim về chị Dậu, Chí Phèo, Thị Nở, làng Vũ Đại, thằng Bờm... của thế hệ trước, cũng có cần bẩn thỉu từ góc nhà và con đường làng trở đi thì mới chân thực, mới lột tả được cái nghèo đâu. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.