Đánh cắp tương lai

TP - Nghề giáo vốn là một nghề nhọc nhằn và vinh quang, trong mình sẵn niềm kiều hãnh: Đã là thầy thì suốt đời là thầy. Nếu chỉ vì một chút lòng tham hay một chút tư lợi cá nhân, hình ảnh người thầy sẽ mãi mãi mất đi trong lòng học trò.

Tương tự Sơn La, vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang lại tạm hoãn do vắng mặt nhiều nhân chứng. Đây cũng là dự đoán của nhiều phóng viên trước khi phiên tòa diễn ra.

Gian lận thi cử tại Hà Giang được phát hiện sớm nhất, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018. Đồng thời Hà Giang cũng là địa phương có số lượng bài thi nâng điểm lớn nhất, trên 200 bài thi của 107 thí sinh.  

Tổng số thí sinh được nâng điểm của Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là trên 215. Trong số đó, rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng điểm “giả” để vào ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, và các trường khối công an, quân đội. Chỉ đến khi điểm thực được công bố, các thí sinh không đủ điểm trúng tuyển này mới bị các trường xóa tên.

Gian lận thi cử không đơn giản chỉ là việc nâng vài điểm/môn thi, vài chục điểm/tổ hợp xét tuyển. Có thể coi đây như một hình thức đánh cắp cơ hội và tương lai các thí sinh khác. Cho đến giờ, cơ quan công an vẫn đang điều tra thêm tội danh đưa và nhận hối lộ đối với các bị can liên quan đến vụ việc tiêu cực thi cử tại các địa phương này. Phụ huynh có con được nâng điểm tại ba địa phương không ai nhận mình bỏ tiền ra "mua điểm" cho con, dù có bị can đã khai nhận 500 triệu đồng.

Tiền của ai bỏ ra vẫn chưa biết, nhưng suýt chút nữa, tương lai của hàng trăm người trẻ bị đánh cắp. Có những thí sinh không đủ điểm để xét tốt nghiệp vậy mà đã chiếm chỗ học của thí sinh khác. Những thí sinh được nâng điểm đã nhập học ở đâu? Đó là những trường danh giá, những trường chọn đầu vào là có sẵn đầu ra. 

Cơ quan Công an đã đề nghị Hà Giang xem xét xử lý nhiều phụ huynh, nhưng đến giờ, người dân vẫn chưa thấy có động thái nào được đưa ra. Trong khi đó, chỉ có Hòa Bình, Sơn La đã tiến hành xem xét kỷ luật cán bộ có con được nâng điểm.

Những người tiếp tay cho gian lận này là ai? Phần lớn là các cán bộ trong ngành giáo dục. Họ là những người có trong tay đầy đủ mọi điều kiện để thực hiện được hành vi này. Là người chấm thi, họ có trong tay “chìa khóa”, biết được kẽ hở của phần mềm nên có thể gian lận.

Cán bộ trong ngành giáo dục, lẽ ra là tấm gương để học sinh noi theo, nhưng họ lại không chọn cho mình một con đường của nhà giáo chân chính. Họ sẵn sàng đánh cắp tương lai của học trò để mang lại lợi ích cho một nhóm người.

Nghề giáo vốn là một nghề nhọc nhằn và vinh quang, trong mình sẵn niềm kiều hãnh: Đã là thầy thì suốt đời là thầy. Nếu chỉ vì một chút lòng tham hay một chút tư lợi cá nhân, hình ảnh người thầy sẽ mãi mãi mất đi trong lòng học trò.

Nhưng đáng trách hơn còn là những "đồng phạm" trong vụ gian lận này, những phụ huynh "mua điểm" cho con em mình, những cán bộ can thiệp, nhờ vả "xem" điểm cho người thân, không loại trừ có cả cán bộ rất cao. Dư luận đang chờ một phiên tòa công tâm, công bằng, không sót người lọt tội.

MỚI - NÓNG