Đánh thức người trẻ

TP - Ba khổ thơ Đánh thức tiềm lực vốn rất “nặng ký” một thời- thời bao cấp đầu những năm 1980 chìm trong đói nghèo -  bất ngờ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2018, chiếm tỷ trọng tới 5/10 điểm cả ở hai phần đọc hiểu và làm văn của đề thi.

Bất ngờ, bởi xưa nay lối ra đề văn rất kinh viện, đã thành lối mòn, đi vào “não trạng” biết bao thế hệ thầy trò. Đúng như nhà thơ Nguyễn Duy (tác giả Đánh thức tiềm lực) trả lời báo chí ngay sau khi kết thúc bài thi văn sáng qua: “Ngày xưa đề thi chỉ đề cập đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần chiến đấu trong chiến tranh, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu con người, còn không nói tới trách nhiệm đương thời đối với đất nước”.

Lứa học sinh lớp 12 năm nay sinh ra đúng thời điểm cả nhân loại bước vào năm đầu tiên của thế kỷ 21, năm 2000. Chắc chắn ngữ cảnh của những vần thơ “cho áo em tôi không còn vá vai/ cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...” của Nguyễn Duy hoàn toàn xa lạ với các em. Khát khao “xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm” cách đây hơn 30 năm của tác giả có lẽ cũng đã thành hiện thực trên hầu khắp dải đất hình chữ S rồi. Thế nhưng, “rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn” thì chắc hẳn vẫn còn là giấc mơ xa vời đối với đại bộ phận dân chúng.

Chính vì vậy, Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi. Bởi sau 30 năm Đổi mới, tuy chúng ta đã thoát cảnh “áo vá, cơm độn”, song nguy cơ tụt hậu vẫn hiển hiện. GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện rất thấp, năm 2017 chỉ đạt 2.385 USD, thua cả Lào và chỉ hơn Campuchia và Myanmar trong khối ASEAN. Theo Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thuộc diện thấp nhất khu vực, hiện chỉ bằng 7% của Singapore, 17.6% của Malaysia, 36.5% của Thái Lan, 42.3% của Indonesia, 56.7% của Philippines và bằng 87.4% năng suất lao động của Lào.

Vậy hà cớ gì câu hỏi đau đáu “lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?” lại không thể sục sôi trong thế hệ trẻ hôm nay? Tự hào về lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc là hành trang cần thiết, nhưng chưa đủ. Vì sao chúng ta có nguy cơ tụt hậu, thua kém ngay cả các nước trong khu vực? Vì sao chúng ta mãi vẫn nghèo, làm gì đây để đất nước giàu có, văn minh ? Điều đó phải được chuyển hóa thành những trăn trở, băn khoăn trong lòng mỗi người trẻ hôm nay, thành ý chí vươn lên của cả một thế hệ, cả một dân tộc.

Liệu có phải vì tiềm lực còn ngủ yên, “Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hôm nay” ra sao? Những câu hỏi đã vượt ra phạm vi một bài làm văn đơn thuần của học trò, đặt văn chương trước thực tế của thời cuộc, của đời sống xã hội. Đặt mỗi thí sinh, mỗi công dân trước trách nhiệm với tương lai của đất nước.

Và như thế, cách ra đề đã góp phần đánh thức trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ, hay nói cách khác giúp nâng tầm suy nghĩ của mỗi người trẻ trước đòi hỏi phải bứt phá đi lên của dân tộc.

MỚI - NÓNG