Để nhiệm kỳ sau?

TP - Cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ ngành cùng chung tay triển khai xử lý 12 ‘cục nợ’ là 12 dự án đầu tư nghìn tỷ đang trong tình cảnh thua lỗ, tạm dừng hoạt động và cả đắp chiếu vì ngay cả khi chưa làm xong đã nhìn thấy nguy cơ lỗ lớn.

4 năm qua, hàng chục cuộc họp từ cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ tới lãnh đạo các bộ, ngành với nhiều giải pháp, cơ chế ưu đãi đặc thù như: giãn, hoãn, khoanh nợ… được đưa ra. Tuy nhiên, bức tranh tài chính và khả năng phục hồi, hoạt động bình thường như các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề của các đại dự án nghìn tỷ này ngày càng xấu đi. Thảm cảnh phá sản là cầm chắc với 100% các dự án nếu như không được Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp sức, "hà hơi thổi ngạt" duy trì sự sống leo lắt thông qua các chỉ lệnh hành chính khác nhau.

Thống kê cho thấy, sau khi được bàn giao từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cả một năm qua, tình hình sức khoẻ của các đơn vị thua lỗ vẫn hết sức bấp bênh. Chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi (trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế); 2 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ (nhưng chưa bền vững); 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại; 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.

Hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước bị chôn chết dí tại các doanh nghiệp thua lỗ đến giờ không ai có thể trả lời công khai: Bao giờ mới lấy lại được tiền đã đầu tư. Các giải pháp về tín dụng đã được Chính phủ áp dụng nhưng đến nay vẫn có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án bị "mắc kẹt" với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến đã được nêu tại các cuộc họp của Chính phủ, các chuyên gia cũng nêu ý kiến: Với số nợ khổng lồ như trên, càng để các dự án dở dang, cầm chừng, thiệt hại của doanh nghiệp càng lớn. Trong các giải pháp xử lý, phương án tái cơ cấu để thoái vốn, bán dự án được xem là khả thi hơn cả. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều dự án đến giờ bán rẻ kiểu "bán sắt vụn" cũng khó có người mua. Công nghệ lạc hậu, tổng vốn đầu tư bị đội quá lớn, những vướng mắc về hợp đồng EPC sẽ là những nút thắt khó có thể vượt qua lúc này của chủ đầu tư các dự án.

Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu của các dự án đã bị âm hơn 7.200 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả lên đến hơn 63.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2020, lỗ lũy kế của các dự án đã vượt trên 26.300 tỷ đồng. Lỗ chồng lỗ, dù các dự án đã được khoanh, giãn nợ mức mức, nhưng cũng đã đến lúc Chính phủ phải ra quyết định cuối cùng với những “ung nhọt” của nền kinh tế.

Nguồn lực tài chính của quốc gia có hạn, vì vậy, việc sớm giải quyết gánh nợ thua lỗ nghìn tỷ để tập trung vào những nơi hoạt động có hiệu quả sẽ là giải pháp cuối cùng trong lúc này. Còn nếu không, mọi việc vẫn sẽ khó có sự thay đổi, dù hạn cuối để xử lý 12 dự án đã được nới đến giữa 2021, và điệp khúc “để cho nhiệm kỳ sau giải quyết” sẽ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.             

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.