Đi học lại

Đi học lại
TP - Sáng mai (2/3), hàng triệu học sinh THPT và sinh viên đại học, cao đẳng cả nước quay lại trường học, sau tròn 1 tháng phải ở nhà để phòng dịch Covid-19. Trừ TP HCM, Hà Nội và Thái Bình.

 Chưa có kỳ nghỉ nào giữa năm học lại dài đến thế, giữa thời bình. Cũng hiếm có quyết định nào khó khăn như việc cho con em trở lại trường lúc này. Từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan, đến từng địa phương. Và đương nhiên là gây phân rẽ quan điểm rất lớn trong dư luận. 

Thực tế với những gì đang diễn ra, có thể nói hiện chúng ta đã cơ bản trải qua giai đoạn dập dịch, và đang tập trung phòng chống dịch, với rất nhiều “phòng tuyến” dày đặc, gắn kết mọi thành phần quân, dân, y. Đặc biệt trước sự bùng phát dịch tại Hàn Quốc cũng như toàn thế giới.

Thực ra con người muôn đời mang nỗi sợ bên mình. Kể cả sợ…học (cái này cả cha mẹ lẫn con cái đều sợ). Nếu làm một cuộc khảo sát học sinh cả thế giới này thích học hay thích chơi, chẳng cần đợi cũng biết kết quả ra sao rồi.

Nên ở một góc nhìn nào đó, sợ dịch lây lan vào trường học ở ta lúc này, tôi nghĩ nhiều khi chỉ là nỗi sợ mơ hồ, cộng hưởng một cách vô thức từ muôn vàn nỗi lo lắng, bất an khác đang tồn tại hằng ngày.

Giữa đời sống đang quá nhiều biến động của nhân loại, hai chữ "yên tâm" là gì? Bao giờ mới thực sự yên tâm? “Yên tâm”, là khi khuất mắt không trông thấy những mối hiểm nguy, đe dọa đến mình? Dù thực tế nó vẫn luôn hiện hữu, cận kề. Đơn giản từ miếng ăn thức uống cho đến đường sá đi lại…

Xã hội và con người luôn mải miết trên hành trình nhẫn nại để vượt những chướng ngại, nguy nan trước mặt. Ai cũng phải gồng lên, đó là tất nhiên. Quan trọng là biết cách, như định luật vật lý, lúc nào cần tăng về lực, khi nào cần chấp nhận kéo dài về đường đi mà thôi. Lợi cái này thiệt cái kia, chẳng ai có thể giành hết phần lợi của thiên nhiên lẫn thiên hạ. Có nghỉ cả năm học vì Covid, thì cũng phải học bù lại bằng nguyên ngần ấy, không sót một giờ!

Loài người đến giờ chưa có một phương pháp giáo dục “vĩ đại” và đột biến nào để học mà không cần phải đèn sách. Trừ phi đến một ngày thế giới chỉ còn một nhóm người thuộc dạng "tinh hoa" được cắt cử đi học, sau đó dùng AI “cấy” lại mọi kiến thức của họ vào não phần đông đồng loại còn lại, như kiểu gắn chip! Loài người sẽ đều tăm tắp về tư duy, đồng phục về nhận thức lẫn cảm xúc. Thế giới đại đồng chăng?!

Trong khi chờ câu chuyện viễn tưởng ấy diễn ra, mỗi cá thể người với “cơ địa” tư duy riêng mình, vẫn buộc phải học.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, không phải chỉ là “đi học”. Mà mà là học gì? Học thế nào? Học để làm gì, cho chính mình? Cho riêng từng đứa trẻ, với từng não bộ, hoàn cảnh và cá tính riêng cụ thể. Nói như Einstein, là tạo ra “một cá tính cân đối”, chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn. Không phải theo guồng quay và quán tính số đông.

"Học là chuyện cả đời…", nhan nhản kiểu nói ấy suốt những ngày dịch giã này. Nhưng có mấy phụ huynh biết tường tận con mình cần học gì, học thế nào và quan trọng là học để làm gì cho chính nó?

Hay chỉ là đáp án mơ hồ, vu vơ, kiểu “học chỉ là…đến trường”?.

MỚI - NÓNG