Điểm mù

TP - Việc một đại biểu Quốc hội tại TPHCM có quốc tịch nước ngoài được phát hiện mới đây thật sự gây sốc dư luận. 

Sốc vì người đại diện cho ý chí, quyền lợi của nhân dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc Việt Nam lại đồng thời trở thành công dân quốc gia khác. 

Nếu không đi ngược quyền lợi của nhân dân Việt Nam thì đại biểu này cũng không thể đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn trung thành và chỉ đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam. 

Sốc còn vì sự thay đổi, về quốc tịch của đại biểu này đã xảy ra trong thời gian khá dài nhưng các cơ quan hữu trách không hề hay biết. Điều đó, một lần nữa cho thấy công tác quản lý cán bộ, từ quản lý hồ sơ, nhân thân đến việc kiểm tra, giám sát quá trình công tác, hành vi của cán bộ, công chức… lỏng lẻo. 

Trước đó, cũng do sự lỏng lẻo trong công tác quản lý cán bộ, công chức nên đã xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc. Trường hợp một phụ nữ vốn làm nghề cắt tóc, gội đầu đã đánh tráo thân phận, qua mặt bao nhiêu cơ quan, quy trình quản lý trong suốt thời gian dài để trở thành lãnh đạo trong cơ quan đầu não của một tỉnh ở Tây Nguyên là một ví dụ điển hình. 

Mặc dù mỗi cán bộ, công chức hiện nay đều chịu sự quản lý, giám sát của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể và việc quản lý, giám sát được thực hiện bằng nhiều tầng nấc, quy trình, thủ tục đan xen, đặc biệt những người nằm trong diện quy hoạch hay chuẩn bị luân chuyển, bổ nhiệm… nhưng nhiều sai phạm vẫn bị bỏ lọt.

Sự kém hiệu quả của quy trình quản lý, giám sát và hệ thống thanh kiểm tra, giám sát khiến những sai phạm trong bộ máy công quyền vẫn luôn tồn tại và phổ biến như: tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy trình hoặc đúng quy trình nhưng sai người; gian lận bằng cấp; gian lận hành vi…

Đặc biệt, nhiều quan chức có hành vi sai phạm nghiêm trọng nhưng phải mất rất nhiều thời gian sau mới bị phát hiện và xử lý… Khi đó, người có hành vi vi phạm có khi đã ở cấp cao hơn nên việc phát hiện, xử lý trở nên khó khăn và việc khắc phục hậu quả cũng khó hơn bội phần. 

Mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông đều ít nhiều đề cập đến những sai phạm của cán bộ, công chức với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Điều đáng nói, rất nhiều trường hợp sai phạm như kể trên không được phát hiện bởi các cơ quan chức năng. 

Chính những tầng tầng, nấc nấc các quy định và hệ thống giám sát chằng chéo nhưng nặng về hình thức hoặc không rõ ai chịu trách nhiệm như hiện nay dẫn đến những kẽ hở lớn. 
Có hay không việc tồn tại “điểm mù” trong công tác quản lý cán bộ? Thực tế đã trả  lời câu hỏi đó.

MỚI - NÓNG