Việt Nam vs Nhật Bản: Đôi giày và giấc mơ

TP - Người Nhật từng tự nhận nền bóng đá của mình chỉ như đôi giày nhỏ so với Việt Nam.

Đó là câu chuyện xảy ra hồi thập niên 1960, giới bóng đá lưu truyền qua lời kể của cựu danh thủ, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Nhật Bản khi đó trong một chuyến thi đấu giao hữu đã tặng Việt Nam mô hình một đôi giày nhỏ, với hàm ý bóng đá Nhật Bản nhỏ hơn bóng đá Việt Nam. 

Bốn thập niên sau đó, Nhật Bản đã trở thành cường quốc bóng đá của châu Á, trong khi Việt Nam vượt mãi chưa qua đấu trường khu vực. Đánh giá sự phát triển của bóng đá Nhật Bản cần đặt trong bối cảnh chung tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của nước này. Nhật Bản từ sau Thế chiến 2 đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Tài chính, cơ sở vật chất, con người…tất cả các yếu tố có thể tác động tới sự phát triển bóng đá của Nhật Bản đều có sự thay đổi mạnh mẽ về chất và lượng.

Tuy nhiên chỉ ở phương diện bóng đá, sự phát triển của bóng đá Nhật Bản chắc chắn có thể gợi ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm với bóng đá Việt Nam. Trong điều kiện cụ thể về kinh tế-xã hội, nếu có một cách làm bài bản, định hướng lâu dài, bóng đá Việt Nam sẽ phát huy tốt hơn tiềm năng sẵn có.

Hôm nay đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản tại Tứ kết Asian Cup 2019. Dù bị đánh giá thấp hơn nhiều so với người Nhật, song người hâm mộ Việt Nam vẫn mơ mộng tới một chiến thắng để đời, như cách chúng ta đã thắng U23 Nhật Bản tại Asian Games chưa đầy nửa năm trước, sau những điều tuyệt diệu mà thày trò HLV Park Hang Seo đã và đang tạo nên suốt một năm qua. Không chỉ mơ vượt qua Nhật, người hâm mộ còn mơ tới trận chung kết châu lục, và xa hơn. 

Một trận thắng của thầy trò ông Park Hang Seo không đồng nghĩa bóng đá Việt Nam đã vượt qua được Nhật Bản. Và dù thua, chúng ta cũng không thể phủ nhận những bước tiến, thành tựu trong một năm qua. Nói như vậy để thấy, dù thắng hay thua thì yêu cầu đặt ra với bóng đá Việt Nam là phía trước, chúng ta cần làm gì để tận dụng tốt thời cơ đang mở ra từ những thành công vừa qua.

Đây là vấn đề mang tính định hướng, cần tới vai trò của Bộ VH-TT&DL và trực tiếp là LĐBĐVN (VFF), hay xuống nữa là VPF. Vai trò của VFF là đặc biệt quan trọng khi bóng đá Việt Nam đứng trước vận hội mới. Chiến thắng của các ĐTQG sẽ trở nên vô nghĩa nếu tới đây chúng ta không tận dụng được cơ hội để mang những đôi giày lớn hơn.

MỚI - NÓNG