Đồng lòng

TP - COVID-19 bùng phát trở lại thực ra không gây nhiều bất ngờ, ngoại trừ cách thức bùng phát (từ bệnh viện). Bệnh viện là phòng tuyến quan trọng ngăn chặn dịch bệnh, nếu bị cô lập sẽ gây ra nhiều hệ lụy lớn. Thực ra, cả xã hội nửa năm nay đã có một thứ vắc-xin tinh thần đối phó với “làn sóng lây nhiễm mới”.

Ngay trong kịch bản kinh tế, cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố, cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Theo đó, với kịch bản cơ sở (nhiều khả năng), mức tăng trưởng đạt 3,8% và 2,2% với kịch bản bất lợi (ít khả năng). Có chuyên gia kinh tế ít lạc quan cho rằng, trong tình hình mới, 6 tháng cuối năm đồ thị tăng trưởng đi ngang đã là tốt rồi, chỉ sợ âm.

Ở nhiều nước phát triển, nền kinh tế có quy mô bài bản, theo chuỗi nên một khi bị đứt gãy khâu nào đó, thiệt hại rất nặng nề. Bất lợi của sự manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc đôi khi thành lợi thế linh hoạt như kiểu “chiến tranh du kích” trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, dù “chiến tranh du kích” cũng phải cần có sự tự tin khoa học, không hoang mang, dao động. Lần này, chúng ta đã có tâm thế sẵn sàng, chỉ khác một điều chưa tìm thấy bệnh nhân “F0” để khu biệt và đảm bảo tốt hơn.

Nếu như đợt dịch của 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp tồn tại nhờ “lương khô”, giảm nhân công, ngừng hoạt động… thì lần này, câu chuyện không đơn giản. Có lẽ Chính phủ sẽ đưa ra các gói giải pháp mới, thiết thực, linh hoạt hơn trong tình hình hiện tại. Chắc chắn sẽ hình thành những mô hình doanh nghiệp thời dịch tiếp tục được thúc đẩy (sản xuất khẩu trang, chống giọt bắn, nước rửa tay, các loại dược phẩm tăng sức đề kháng…). Tất nhiên, dù dịch bệnh, người dân vẫn cần sinh hoạt để tồn tại. Câu chuyện lúc này rất cần vai trò kỹ trị thực sự của từng lãnh đạo địa phương với sự hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành. Bởi vì không ai hiểu địa phương bằng chính người đứng đầu ở đó; doanh nghiệp cần được hỗ trợ tối đa về chính sách, thay vì lo sợ đến mức “ngăn sông, cấm chợ” như có nơi từng làm trước đây.

Các bộ ngành liên quan bây giờ không chỉ giãn, hoãn thuế mà cần thiết phải miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; đẩy nhanh đầu tư công (đặc biệt những công trình trọng điểm). Chắc chắn, 6 tháng cuối năm là giai đoạn nền kinh tế sống chung với dịch bệnh một cách thích nghi: Vừa sản xuất, vừa phòng tránh dịch. Vẫn là câu chuyện “mục tiêu kép”, nhưng tính quyết liệt và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ cần tối ưu hơn trước rất nhiều.

Sự lạc quan lúc này không nên tiết chế. Bối cảnh hiện nay, khác giai đoạn trước khá nhiều, khi thông tin một số quốc gia đã thành công trong chế tạo và thử nghiệm vắc-xin Covid-19. Thậm chí có quốc gia tuyên bố đã tung sản phẩm đặc biệt này ra thị trường. Việc cần làm lúc này của mỗi người dân là bình tĩnh một cách lý trí; kê khai y tế đầy đủ, đồng lòng cùng Chính phủ nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

MỚI - NÓNG