Đục nước béo cò

TP - Để cứu doanh nghiệp BOT mà không tăng phí, Nhà nước phải bỏ khoảng 5.080 tỷ đồng tiền nộp thuế của người dân và doanh nghiệp.

Từ khóa "BOT thu phí cao", sau một thời gian lắng dịu, lại đang trở thành tâm điểm của dư luận khi Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép các dự án BOT giao thông (cả nước đang có 60 dự án đang khai thác) được tăng thu phí với lý do các DN gặp khó khăn do hụt doanh thu. 

Số liệu của Bộ GTVT cho thấy, có 58/60 dự án BOT doanh thu thấp hơn dự báo. Đáng tiếc, các số liệu không bóc tách cụ thể số hụt thu nói trên có bao nhiêu đơn vị bị ảnh hưởng từ năm 2019 trở lại đây, bao nhiêu BOT bị thiếu thu trong tổng vòng đời dự án, qua các năm. 

Nói tất cả các BOT từ khi ra đời đều lỗ thì khó có thể ai tin. Trong kinh doanh có thắng, có thua, nhưng biết lỗ mà vẫn lao vào làm thì chẳng có DN nào dại. Số liệu được chính Bộ GTVT công bố năm 2017 cho thấy, doanh thu của 3 dự án BOT, gồm: Dự án Hòa Lạc - Hòa Bình, dự án quốc lộ 32 và dự án BOT tuyến tránh TP Hà Tĩnh vẫn vượt so với phương án tài chính của các dự án ngay cả khi đã thực hiện giảm phí cho người dân xung quanh trạm. Đến năm 2018, vẫn có tới 27 dự án được điểm tên về việc có doanh thu tăng so với hợp đồng đã ký. 

Số liệu của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cũng cho thấy, trong 3 năm 2016-2019, KTNN đã kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày. Nếu không phát hiện và kiến nghị giảm 300 năm thu phí, sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng bị các DN đầu tư BOT thu phi lý và đút túi 
chia nhau. 

Thực tế, khó khăn của các DN BOT không phải kéo quá dài và mới xuất hiện sau nhiều năm trời diễn ra cảnh chạy đua xây dựng, cải tạo các tuyến đường theo hình thức BOT và mang lại những kết quả kinh doanh “trong mơ” cho nhiều DN trong các năm.

Đề xuất tăng phí để cứu DN BOT, Bộ GTVT tự đặt mình vào tình thế khó: Ủng hộ một nhóm nhỏ DN BOT hay hàng triệu người dân và hàng nghìn DN vận tải, dịch vụ?

Theo Bộ GT-VT không cứu, trì hoãn xử lý với các dự án BOT bị hụt thu rất sâu, sẽ đẩy nhiều DN BOT đến bờ vực phá sản kéo theo những khoản nợ xấu của ngành ngân hàng đến vài chục nghìn tỷ đồng. Và để cứu DN BOT mà không tăng phí, Nhà nước phải bỏ khoảng 5.080 tỷ đồng tiền nộp thuế của người dân và DN để hỗ trợ cho các DN đầu tư BOT. 

Thực tế cho thấy, không tăng phí BOT sẽ có tác động tích cực chung với ngành vận tải và cả nền kinh tế. Mỗi gánh nặng tăng chi phí tại thời điểm này, thậm chí lùi đến hết năm 2020 mới tăng cũng sẽ khiến cộng đồng DN, vốn kiệt quệ vì tác động của dịch COVID-19, sẽ càng điêu đứng. Vòng xoáy tăng giá do tác động của tăng phí BOT sẽ đánh thẳng vào túi tiền của hàng chục triệu người dân mỗi khi mua, sử dụng bất cứ sản phẩm nào. 

Việc "cầm cân nảy mực" về chính sách, đứng về số đông người dân, DN, tìm kế sách phù hợp thay vì cứu ngay một nhóm nhỏ các DN BOT sẽ là quyết định cân não của Bộ GTVT và cũng chính là để tránh những lời xì xào về việc “BOT đục nước béo cò”.

MỚI - NÓNG