Đừng để lửa bùng lên từ đất

TP - Sáng qua 19/5 tại Hà Nội, Chính phủ đã triệu tập lãnh đạo 27 tỉnh, thành dự Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo do đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đây là những địa phương thường xuyên có tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, mà nói như Thủ tướng, cứ 100 vụ khiếu kiện thì có tới 95 vụ là khiếu kiện về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng.

“Người dân sống bằng cái gì khi chúng ta giải phóng mặt bằng?... Chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân, không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững”, Thủ tướng chất vấn. Và khẳng định: “Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng…”.

Hình ảnh ví von nhưng đầy tính cụ thể, thực tiễn và nóng bỏng của người đứng đầu Chính phủ, khiến không khỏi giật mình. Khi nhìn lại sức nóng vừa mới được ‘khơi” lại của dự án khu đô thị Thủ Thiêm vốn âm ỉ suốt hơn 20 năm qua. Cho đến hàng loạt những điểm nóng về đất đai trên cả nước, giờ vẫn còn lửa than bên dưới.

Theo số liệu của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, năm 2017, tăng thu ngân sách nhờ vào tiền sử dụng đất gấp 4 lần so với tăng thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể 61.580 tỷ đồng, so với 15.190 tỷ đồng. Những con số phần nào chứng minh cho phát ngôn đang gây “sốc” dư luận của lãnh đạo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), ông Nguyễn Văn Phụng: “Chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai”.

Thực ra không có gì khó hiểu, khi đất đai trở thành nguồn lực chính của mọi địa phương. Bởi hiện tại, chi thường xuyên (chủ yếu để trả lương) đã chiếm tới 83% thu ngân sách, dư địa ngân sách dùng để đầu tư còn rất ít. Nên ngày càng dày đặc các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT… Trong đó đáng lo ngại là các dự án BT tại khắp các địa phương, được hiểu một cách đơn giản là “đổi đất lấy công trình”.

Những tưởng các dự án đổi đất này sẽ mang lại những công trình giải quyết bức xúc cho dân, như trường học, bệnh viện, công viên... Nhưng không. Hàng trăm héc ta đất vàng của nhà nước và người dân bị thu hồi, giải tỏa thường là để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí cả…tượng đài! Các dự án thường chỉ định thầu, rất mơ hồ về giá trị.

Năm ngoái, tỉnh Thái Bình chỉ định thầu dự án đổi 5 khu “đất vàng” trung tâm rộng hơn 2,7 héc ta để lấy một Trung tâm hội nghị 1.000 chỗ trị giá 230 tỷ đồng! Trước áp lực báo chí, dự án này sau đó đã tạm dừng. Năm nay, đến lượt tỉnh Quảng Ngãi cũng tính đổi 38.000 m2 “đất vàng” trung tâm thành phố để lấy một Trung tâm hội nghị (cũng 1.000 chỗ) trị giá 377 tỷ đồng!

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Quảng Bình, Hà Giang.

“Lò” chống tham nhũng đang đỏ rực. Lửa không hẳn đến từ “củi”, mà phần nhiều còn từ đất. Lửa chống tham nhũng là lửa lành. Nhưng “lửa” bùng lên từ đất, từ lòng dân, hẳn sẽ là lửa dữ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.