Đừng để tiền chết

Đừng để tiền chết
TP - Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng, kể cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng tất cả các nguồn lực có thể, trong đó bố trí trong kế hoạch 2021-2025 những công trình, chương trình quan trọng đối với sự phát triển đất nước như cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển, những tuyến xuyên tâm, đầu tư về công nghệ như kinh tế số…

 Đây là những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cách đây hai tuần. Thông điệp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dồn lực giải ngân, xoá tình trạng  đầu tư công bế tắc, giảm tình trạng vòng xoáy luân chuyển tiền tệ chậm chạp được nhấn mạnh trong bối cảnh tình trạng trì trệ nếu kéo dài sẽ khiến cỗ máy tăng trưởng hụt hơi, động lực phát triển của đất nước sẽ không còn.

Cũng có nhiều ý kiến về việc người đứng đầu Chính phủ nếu không dồn, không thúc giục, các bộ ngành, địa phương sẽ “phủi tay”, chọn giải pháp an toàn trong việc từ chối giải ngân, né trách nhiệm với những dự án lớn- vốn đặc biệt quan trọng trong việc tạo dòng tiền, công ăn việc làm, kéo theo cả vấn đề an sinh xã hội vào lúc này.

Các chỉ số cho thấy, đã đến lúc không thể chậm trễ khi tăng trưởng GDP quý II ước đạt 0,36% và tăng trưởng qua 6 tháng chỉ đạt 1,81%, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được thống kê năm 1991. Những chỉ số xấu của nền kinh tế cũng đã đến lúc được báo động, tình trạng “hụt hơi” tăng trưởng nhìn thấy ở hầu hết các “đầu tầu kinh tế của cả nước”.

Cùng với tác động của dịch COVID-19, các tập đoàn kinh tế (trừ viễn thông) trong cảnh loay hoay chìm trong thua lỗ, khó khăn chồng chất. Dấu hiệu về nền kinh tế phụ thuộc cũng ngày càng rõ hơn khi khu vực FDI những năm gần đây chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu và 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Số doanh nghiệp trong nước đóng cửa, dừng hoạt động ngày càng tăng trong khi những cỗ máy thu hút ngoại tệ như du lịch, hàng không… không biết đến bao giờ mới hồi phục.

Khó chồng khó khi Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về việc Bộ NN&PTNT xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn không sử dụng trong tổng số gần 6.400 tỷ đồng vốn đầu tư công được 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản xin trả.

Việc trả vốn đầu tư công, nói cách khác chính là các địa phương, bộ ngành chê tiền, không nghĩ ra được các giải pháp để tiêu đồng tiền một cách tối ưu. Những lời “Nói không với tiền”, với đầu tư công sẽ khiến những cơ hội đón đầu của nền kinh tế bị chậm lại. Những tuyến đường cao tốc xuyên Việt không được thúc đẩy sớm cũng như việc không tạo cơ chế để những ngành nghề “đi trước một bước” trong thu hút vốn đầu tư như điện, năng lượng, hạ tầng giao thông, sẽ kéo theo việc mất cơ hội thu hút đầu tư.

Chắc chắn không có nhà đầu tư nào mặn mà với một quốc gia không có hạ tầng thu hút vốn sẵn sàng vào vận hành. Những lợi thế nhân công giá rẻ, điện giá rẻ… cũng sẽ dần mất đi nếu không có hạ tầng, nguồn nhân lực tốt.

MỚI - NÓNG