Đừng để tiền 'đi lạc'

TP - Với tinh thần “làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, trong phiên họp bất thường ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao cho các cơ quan hoàn chỉnh Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19 để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thể hiện rõ tinh thần “không ai bị bỏ ở lại phía sau” của Đảng, Nhà nước. Việc ban hành chính sách trên cũng chính là đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Như ông cha ta nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thời gian qua, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn, việc làm, thu nhập của hầu hết người lao động trong cả nước. Song trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn, lo lắng với đại dịch đó, tình yêu thương, sự chung tay vượt qua hoạn nạn của cộng đồng xã hội vẫn không ngừng lan tỏa. Đã có biết bao nhiêu tấm lòng hảo tâm, từ các cụ già cao tuổi, những em học sinh lớp 5, lớp 6 đã và đang tích cực góp công, góp sức, góp của cải để chống dịch. Nhiều đại lý vé số, dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn quyết định hỗ trợ những người bán vé dạo vài chục nghìn đồng trong suốt 15 ngày tạm ngưng hoạt động. Hay ở TPHCM, những ngày qua, người dân đã đến góp gạo cho chiếc máy “ATM gạo” ở quận Tân Phú: Có người góp vài chục ký, người hơn tạ, có người góp vài tạ để giúp đỡ bà con khó khăn.

Ở các nước giàu có như Mỹ, Đức, Anh…, mỗi người dân được hỗ trợ vài trăm, thậm chí cả nghìn USD. Song bối cảnh ngân sách của Việt Nam khó mà thực hiện được như các nước. Việc đề xuất gói an sinh với hơn 61 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống là sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thời điểm này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về “cách ly toàn xã hội”, lãnh đạo Chính phủ khẳng định, chỉ mang tính khuyến cáo, song hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh. Điều đó đồng nghĩa là đồng lương, thu nhập của mỗi gia đình, mỗi người lao động giảm sút, thậm chí là không còn nữa. Nhưng vì lợi ích của đất nước, người dân ủng hộ để chung tay cùng Đảng, Nhà nước chiến thắng đại dịch COVID-19. Trong cuộc họp mới đây, thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi.

Điều người dân mong muốn lúc này, là sau khi Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh được ban hành thì những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm thực thi phải đưa tiền đến tay người dân sớm nhất, tránh tình trạng “lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”. Quá trình thực thi cũng phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tránh để gói hỗ trợ “đi lạc” vào nhà những đối tượng không nằm trong diện được hưởng, như đã từng xảy ra ở không ít các dự án xóa đói giảm nghèo khi dê, bò, nhím, gà, nhà, tiền..., “chạy lạc” vào “nhà quan”.

MỚI - NÓNG