EVN đúng hay sai?

TP - Một lần nữa vấn đề tăng giá điện lại được nêu lên tại phiên họp về kinh tế- xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua. 

Đây là điều dễ hiểu khi dư luận băn khoăn, bức xúc vì giá điện được điều chỉnh tăng vào đúng dịp nắng nóng nhất, khi mà người dân buộc phải sử dụng điện nhiều nhất. Các đại biểu Quốc hội cũng là những hộ gia đình tiêu thụ điện phải trả gấp rưỡi, gấp đôi cho tiền điện tháng vừa qua so với tháng trước đó.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được chia làm sáu bậc khác nhau, trong đó bậc thang thấp nhất được giới hạn từ 0 đến 50 kWh. Mục tiêu của việc áp dụng giá điện bậc thang này nhằm giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, việc chia thành nhiều bậc thang cũng như mức giới hạn 50 kWh cho bậc một như vậy đã thực sự hợp lý?

Không phải chỉ Việt Nam, việc xác định giá điện bậc thang lũy tiến từng phần cũng được áp dụng ở một số nước trên thế giới. Giải pháp này vừa nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng kết hợp giải quyết vấn đề xã hội, để những hộ nghèo, sử dụng ít điện được hưởng mức giá thấp nhất. Thế nhưng, quy định chỉ với 50 kWh cho bậc một như vậy đã phù hợp chưa, hay đã quá lạc hậu? Câu trả lời đã là rất rõ. Bởi với 50 kWh, các hộ gia đình sử dụng các thiết bị tối thiểu như quạt, ti vi còn khó, nói gì đến điều hòa, máy giặt.

Khi đề cập đến thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga viện dẫn, ngay cả với những gia đình ít người, thậm chí chỉ có hai ông bà già, dù rất tiết kiệm nhưng cũng phải sử dụng không dưới 50 kWh. Ngoài yêu cầu làm rõ cơ sở tăng giá điện, bà còn đề nghị phải xem xét trong cơ cấu giá điện, cái nào hợp lý cái nào không. Đặc biệt phải xem phương pháp tính giá điện bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa không? Tất cả cần phải được kiểm tra để trả lời dư luận.  

Có cùng quan điểm, một số chuyên gia cũng đặt ra vấn đề, liệu giá điện được chia thành nhiều bậc thang như vậy có quá nhiều không? Có cần giảm xuống không, hay khoảng cách của từng bậc phải nên như thế nào cho phù hợp? Rõ ràng, định mức cho điện bậc một là quá thấp với mức sống hiện tại. Khắc phục bất cập này, Bộ Công Thương nói sẽ xem xét, điều chỉnh lại. Mức điều chỉnh thế nào chưa rõ, nhưng phương án tăng khoảng cách cho điện bậc một từ 50 lên 100 kWh có vẻ phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh câu chuyện giá điện, đại biểu Quốc hội cũng phản ánh việc dư luận và nhân dân hoài nghi về tính minh bạch trong quản lý cũng như hoạt động của ngành điện. Trò chuyện với PV, một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng bày tỏ mối quan tâm đến hai từ minh bạch trong ngành điện.

Theo vị chuyên gia này, khi pháp luật quy định về tính minh bạch, thì ngành điện hay bất cứ ngành sản xuất kinh doanh nào cũng đều phải tuân theo. Nhưng với cơ chế độc quyền hiện nay, ngành điện không chỉ bán điện, mà còn cung cấp cả đồng hồ điện. Rồi chốt chỉ số, tính giá điện đến tay người tiêu dùng cũng do ngành điện làm. Vậy có tình trạng đơn phương làm tăng giá điện không? Đây cũng là vấn đề cần được minh bạch hóa, trả lời trước công luận.

Trong điều kiện cạnh tranh chưa hoàn hảo như vậy, cần phải minh bạch, cụ thể hóa những chi phí và vai trò của Nhà nước trong việc xác định giá điện là điều rất quan trọng. Đề cập đến chuyện tăng giá điện trong tổng thể bức tranh kinh tế- xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng, ngoài lập đoàn thanh tra, Chính phủ cần lên tiếng giải thích về việc Bộ Công Thương và EVN điều chính giá điện vừa qua có làm đúng hay không chỉ đạo của Chính phủ.

MỚI - NÓNG