Giá của cuộc chơi

TP - Trên thế giới không có nhiều nước ở mức thu nhập thấp như Việt Nam được lấy ví dụ về việc phổ cập giáo dục phổ thông cũng như thay đổi về mặt kinh tế. 

Những nhận xét đầy tích cực của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong ngày 17/12 cho thấy, nhiều tiến bộ về mặt kinh tế của Việt Nam được ghi nhận rất rõ.

Tuy nhiên, đi kèm những dự báo tích cực là những thách thức thực tế ngay trước mắt Việt Nam cần giải quyết. Cụ thể, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam theo dự báo của WB đi theo xu hướng toàn cầu, giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và năm 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.

Lời cảnh báo của Giám đốc WB tại Việt Nam về việc, kinh tế Việt Nam bây giờ khác hẳn các thời kỳ trước trong khi vai trò và sự tiếp sức của các nhà tài trợ cho kinh tế Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều cũng là điều hết sức cần lưu ý. Việc Việt Nam năm nay tụt hạng 1 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh cũng cho thấy đã có sự chậm hơn trong cuộc chạy đua cải cách các thủ tục hành chính so với các nước khác.

Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể vẫn tiếp tục duy trì và tiến nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, phát triển kinh tế là cả một quá trình không phải con đường thẳng, vẫn có những đoạn vấp cần giải quyết. Nếu Việt Nam vội vã, bỏ qua các giai đoạn, hệ lụy khá khó lường dù rằng, trong 2-3 năm vừa qua con đường phát triển của Việt Nam dường như rõ ràng hơn. Các chính sách chiến lược đưa ra cũng rõ hơn. Nhưng việc đang có ngày càng nhiều dự án được thực hiện nhưng tốc độ giải ngân lại chậm lại và cũng là tốc độ giải ngân chậm nhất trong lịch sử nhiều năm qua cho thấy sẽ có những hệ lụy về lâu dài nếu mọi việc không được giải quyết nhanh.

Lời cảnh báo thứ hai được đưa ra: Việt Nam sẽ cần tập trung không chỉ con số tăng trưởng mà phải quan tâm cả chất lượng thực hiện các cải cách về giáo dục, đầu tư…đặc biệt những cải cách, sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số để đưa Việt Nam lên tầm cao hơn. Lối đi cũng được chỉ rõ khi Giám đốc WB nhấn mạnh tới việc Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung vào lựa chọn các đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, đòi hỏi hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. 

Việc Việt Nam ngày càng mở cửa hơn, chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn khi tham gia các FTA cũng đặt ra những thách thức mới về mặt điều hành. Những thách thức lớn với Việt Nam khi tham gia CPTPP cũng được coi là cơ hội vàng nếu biết cách thay đổi về mặt điều hành kinh tế. Việc tuân thủ các luật chơi toàn cầu và thực hiện tốt việc này sẽ là động lực tiếp theo để Việt Nam ít nhất có mặt trong nhóm cải cách sâu và rộng nhất trong top 10 nước CPTPP về cải cách hành chính. Nhưng cũng cần cảnh báo, cải cách là cả quá trình và phải thực hiện từng bước một, không cắt được bước nào. Câu hỏi ngỏ với Việt Nam, thách thức với Việt Nam đến nay không còn dừng lại ở việc phải làm gì mà là thực hiện các giải pháp mà các tổ chức quốc tế, các chuyên gia đã đưa ra. Đây mới là thách thức với Việt Nam. Nếu không thực hiện, việc hướng tới top các quốc gia cải cách nhiều nhất, đi kèm với phát triển nhanh, sẽ là giấc mơ xa vời.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.