Giá của sự thật

TP - Cả thế giới bàng hoàng khi hay tin bác sĩ Lý Văn Lượng (bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, Trung Quốc), người đầu tiên cảnh báo về virus corona mới đã qua đời. Sự ra đi của bác sĩ trẻ lại thêm một lời cảnh báo rằng không thể giấu dịch, không thể chủ quan, coi thường tính mạng của mỗi con người.

Lý Văn Lượng đã đặt ra nghi vấn đầu tiên về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (dịch bệnh hoành hành trong năm 2003). Tuy nhiên, những cảnh báo của anh đã bị chính quyền thành phố Vũ Hán phớt lờ. Thậm chí, anh còn bị cơ quan y tế, công an thành phố mời lên làm việc vì tội phát tán thông tin sai lệch.

Không ai ngờ rằng sự vô trách nhiệm của chính quyền Vũ Hán về “thông tin sai lệch” đó đến nay đã khiến hơn 31.500 người nhiễm, 639 người tử vong tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kẻ “giết người” đó được xác định là dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra.

Nếu “thông tin sai lệch” của bác sĩ Lượng được xem xét một cách nghiêm túc thì bây giờ, sẽ không có những “thông tin chính xác” về số người nhiễm, người tử vong gây đau đớn, hoang mang, lo lắng cho cả thế giới.

Bác sĩ Lý Văn Lượng ra đi vì chính căn bệnh mà anh đã nghi ngờ, cảnh báo. Anh có thể được ngành y toàn thế giới ghi nhận như một người anh hùng do đã sớm phát hiện, cảnh báo sự xuất hiện của một dịch bệnh lạ. Nhưng cái giá mà anh phải trả cho sự anh hùng đó lại quá lớn.

Thế giới đã từng xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Sự phát triển và thay đổi của xã hội ngày càng dẫn tới sự ra đời những dịch bệnh mới khó có thể biết chính xác nguồn gốc, căn nguyên ngay từ khi có những bệnh nhân đầu tiên.

Chính đội ngũ nhân viên y tế, những người đầu tiên tiếp xúc với người nhiễm bệnh, sẽ là những người đưa ra nhận định, cảnh báo sớm nhất. Nếu bất cứ ai vô tình hay cố ý phủ nhận nhận định, cảnh báo đó, hậu quả sẽ là khôn lường.

Đã có quá nhiều bài học đau xót về giấu dịch. Năm 2003, dịch SARS xuất hiện ở đại lục Trung Quốc, nhưng chỉ đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gây áp lực, Trung Quốc mới thừa nhận về mức độ nghiêm trọng của dịch.

Việt Nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng của SARS. Ngay khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên có những triệu chứng giống với các bệnh nhân nhiễm SARS tại Hồng Kông, các bác sĩ của Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) đã kịp thời báo cáo Bộ Y tế, kịp thời có biện pháp phòng dịch. Nhưng vẫn có những bác sĩ, y tá ra đi mãi mãi do nhiễm bệnh trong quá trình điều trị bệnh nhân SARS. Dịch SARS sau đó đã làm 774 người tử vong trên toàn cầu.

Công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh sẽ là “vũ khí” hữu hiệu nhất để mọi cơ quan, mọi tổ chức, mọi người dân cùng tham gia phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi dịch. Không một người dân nào muốn cơ quan chức năng giấu dịch. Bởi có những dịch nguy hiểm, dù chủ động cũng sẽ gây hậu quả khôn lường. Còn giấu dịch sẽ dẫn tới sự kinh hoàng gieo rắc trên toàn cầu. Giấu dịch sẽ là tội ác.       

MỚI - NÓNG