Giải cứu tư duy

TP - Đang lúc dịch Covid - 19, nông sản có nguy cơ ùn ứ. Theo thói quen cố hữu, nơi nọ nơi kia bắt đầu đánh tiếng “giải cứu”. Tuy nhiên, các siêu thị cho biết, doanh nghiệp mua gom và nông dân không mặn mà. Phải chăng, hết thời kêu gọi lòng trắc ẩn của người tiêu dùng (đến nỗi có năm, nhiều trụ sở bộ ngành thay vì tìm giải pháp hữu hiệu của quy luật thị trường thì ngổn ngang dưa hấu để cán bộ mỗi người “giải cứu” vài quả).

Năm nay, điệp khúc “giải cứu” có diễn biến khác. Những phiên chợ tiểu ngạch biên giới Việt – Trung dễ dãi với các sản phẩm nông sản Việt. Chỉ cần biên giới cho lưu thông hàng hóa, nông sản Việt (nhiều chuyến đã đặt cọc tiền) lại lên đường. Hình như, người tiêu dùng Trung Quốc đang rất cần tới hoa quả để bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng trong mùa dịch bệnh.

Từ câu chuyện “giải cứu” nhiều năm trước, cho tới sự không mặn mà “giải cứu” năm nay, cho thấy, không chỉ riêng nông sản mà nhiều mặt hàng khác của Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì sao lại thế? Đây là nơi có sức mua lớn, thuận tiện giao thương và quan trọng: Tiêu chuẩn thấp. Người nông dân Việt lâu nay với tập quán canh tác xuề xoà nên sản phẩm làm ra rất khó tiếp cận được các thị trường có tiêu chuẩn cao như các nước châu Âu, Hoa Kỳ… Chưa kể, canh tác vẫn chủ yếu bằng sức người, năng suất thấp. Chả thế mà, tự hào nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng trị giá chưa tới 3 tỷ USD; không có một thương hiệu nào đủ mạnh để lên kệ siêu thị các nước tiên tiến.

Mang tiếng cà phê ngon, nhưng chủ yếu xuất thô với trị giá cũng chỉ 3,5 tỷ USD. Khi câu chuyện những chuyến xe chở lợn bị thương lái Trung Quốc quay lưng mấy năm trước, nhiều bộ ngành mới giật mình rằng, nước ta chưa có nhà máy chế biến sản phẩm đa dạng. Nhìn thấy những chiếc đùi lợn muối Iberico từ các nước châu Âu lủng lẳng trong các siêu thị tại Hà Nội, TPHCM…, những người có trách nhiệm phải “tự vấn lương tâm”.

Một chiếc đùi lợn có khi giá trị bằng 10 con lợn Việt cộng lại. Ấy vậy mà, người tiêu dùng một số tỉnh có thói quen “chặt to, kho mặn” lại tiếp nhận được sản phẩm này. Người giàu trong nước thậm chí còn nhập khẩu cả container hoa quả từ những trang trại Úc, Nhật Bản… về dùng trực tiếp.

Tất nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Thống kê, trong năm 2019, tổng số giá trị xuất khẩu đạt 41,3 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã vào cuộc đua sản xuất nông sản sạch hữu cơ, áp dụng công nghệ hiện đại đã ít nhiều góp phần cho thành tựu trên.

Nông dân cũng phần nào thay đổi nhận thức, nhưng tình trạng “tham bát, bỏ mâm” cũng không hiếm. Cứ sau mỗi mùa giải cứu, một bài học rút ra, nếu được tổ chức lưu thông hợp lý, khoa học có  “nhạc trưởng” điều phối thì mọi chuyện “xuôi chèo, mát mái” và rất hiệu quả.

Ai giải cứu được nông sản, nếu không phải chính sự thay đổi trong tư duy của mỗi nông dân và cả chính sách từ trung ương tới địa phương hỗ trợ họ. Chỉ khi nào, sản phẩm tốt đều, nông sản Việt mới đủ tự tin chinh phục thị trường trong nước, vươn ra thế giới, tránh phụ thuộc vào một “ông lớn” nào đó.

MỚI - NÓNG