Giao hưởng lòng tin

TP - “Lắng nghe giao hưởng của Beethoven” (Upon hearing a Beethoven symphony, 1840) - bức tranh màu nước của họa sĩ người Pháp Eugène Louis Lami sau ngót hai trăm năm nay đã lưu lạc nơi đâu không còn ai rõ tung tích.

“Lắng nghe giao hưởng của Beethoven” (Upon hearing a Beethoven symphony, 1840) - bức tranh màu nước của họa sĩ người Pháp Eugène Louis Lami sau ngót hai trăm năm nay đã lưu lạc nơi đâu không còn ai rõ tung tích.

Nhưng xem lại bức hình trắng đen còn lưu lại, thấy con người khi lạc vào “địa hạt linh hồn” thật “đáng sợ”. Một góc khán phòng, là 6 người đàn ông lịch lãm mỗi người một tư thế, một gương mặt, một tâm trạng không thể nào diễn tả. Khác nào Nguyễn Du tả tâm trạng khi nghe tiếng đàn của nàng Kiều: “Khi tựa gối khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”.

Thế giới âm nhạc hiện đại đã trở nên hỗn độn với mọi phong cách và truyền thống khác nhau. Thậm chí xung đột, chối bỏ nhau. Nhưng vẫn phải tán đồng với vị Giáo sư âm nhạc lừng danh người Anh Nicolas Cook, viết trong cuốn “Dẫn luận về âm nhạc”. Rằng dẫu thế nào, thì bước vào rạp hát luôn giống như bước vào nhà thờ, bởi “đó thực sự là một nghi lễ chuyển tiếp, mở ra cánh cửa tới một thế giới bên trong tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài cả về kinh tế và thính giác”.

Theo N. Cook, dù hiện thời có đủ phương tiện hiện đại để nghe nhạc mọi nơi mọi lúc, nhưng “xây dựng các rạp hát luôn có tính mục đích, bởi đó là nơi mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khán giả có thể xem tận mắt nghi lễ biến ảo của biểu diễn âm nhạc”.

Đó góp phần lý giải vì sao một số các nghệ sĩ, nhạc sĩ những ngày qua đã lên tiếng bảo vệ việc xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm. Là nỗi khát khao chính đáng được cùng với người xem thăng hoa trong nghi lễ cao quý và sang trọng của âm nhạc. Nơi mà mỗi sợi dây đàn rung lên có thể mở ra cánh cửa tới một dạng tồn tại khác. Chứ không phải vì cát sê, dẫu cái nghèo luôn gắn với nghệ sĩ giao hưởng như một định mệnh, so với tài năng và sự khổ luyện không chỉ ở xứ ta.

Nhưng thật buồn, với một đất nước mà mỗi khi bắt tay đầu tư, xây dựng bất kỳ một cái gì, thì đầu tiên đều chạm đến lòng tin, niềm tin của số đông. Luôn bùng vỡ những xung đột, tranh cãi dữ dội, đầy nhức nhối. Cho dù đó là việc xây dựng một thánh đường cho dòng âm nhạc nghiêm cẩn, thuần khiết nhất.

Có người bảo do dự án nhà hát giao hưởng “đụng” vào toàn những từ khóa nhạy cảm. Là Thủ Thiêm, giao hưởng, so với ung thư, bệnh viện, trường học, người nghèo,… Toàn những từ gồm hai tiếng, vang lên nỗi đau đáu suốt chiều dài nhiều thập kỷ. Cũng có người hỏi, vậy nếu thay tên nhà hát, thay địa điểm xây dựng, có ồn ào vậy không?

Chúng ta mấy ngày nay đang chứng kiến tuyến đường cao tốc trị giá 1,6 tỷ USD chủ yếu tiền đi vay, vừa sử dụng đã hư hỏng lỗ chỗ, phải dặm vá bằng tay như kiểu trẻ con vọc đất. Niềm tin làm sao trụ lại được? Chúng ta đã có bao công trình ngàn tỷ cứ lặng lẽ xây lên, rồi lặng lẽ trùm mền. Bảo tàng, sân vận động, công trình làng các dân tộc… đang sống chết, èo uột thế nào đã rõ. Niềm tin biết bấu víu vào đâu?

 Chúng ta dựng hàng rào ngăn đường vào nhà hát? Không! Chúng ta vẫn luôn tin vào nhà hát, vào âm nhạc, như tin vào hoa hồng. Chỉ không tin vào dự án và cách sử dụng những ngàn tỷ, những ngàn vạn thước đất đai vốn của dân có địa chỉ, tên tuổi rõ ràng.

 Chỉ còn 1 năm nữa là tròn kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (1959). Thời điểm khói lửa cuộc chiến 9 năm trường kỳ của máu và nước mắt còn âm ỉ, sự lam lũ đói nghèo còn hiện diện nơi nơi, nhưng đó cũng là khi niềm tin chúng ta còn đầy đặn.

“Hệ sinh thái” - nếu dùng khái niệm đang mốt thời thượng hiện giờ - thì “hệ sinh thái lòng tin” của chúng ta cần phải được tái thiết lại một cách căn cơ, bền vững. Chứ không phải chỉ tìm cách tấu lên những bản nhạc…

MỚI - NÓNG