Giáo sư & quan chức

TP - Theo thông lệ quốc tế, rõ ràng đây là hai chức danh, hai nghề nghiệp khác nhau hoàn toàn. Ở các nước, GS là chức danh dành cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, do các trường đại học tự bổ nhiệm.

Trường nào có thứ hạng càng cao, chức danh GS ở đó càng danh giá và ngược lại.

Quan chức trong bộ máy nhà nước muốn trở thành GS, PGS, về lý ắt phải tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học như các giảng viên chuyên nghiệp. Tức họ phải cùng lúc làm hai công việc rất không liên quan với nhau: Lãnh đạo, quản lý một bộ ngành, cục, vụ đồng thời tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy cho sinh viên (tất nhiên phải ngoài giờ hành chính hoặc ngày nghỉ). Hay nói cách khác, cùng một lúc họ phải làm hai job (hai công việc được trả lương khác nhau). Đó hẳn là nhiệm vụ “hai trong một” bất khả thi, ngoại trừ những cá nhân phi thường và cực kỳ xuất sắc.

Quan chức có chức vụ càng cao, trọng trách càng nặng nề. Trên thực tế, làm tới cỡ vụ trưởng, cục trưởng đã hiếm có vị nào lại còn dành được thời gian và tâm trí rảnh rỗi cho một công việc nghiêm túc khác, huống chi đây lại là một công việc nhọc nhằn, mang tính đam mê và sáng tạo cao độ - nghiên cứu khoa học. Làm tới tầm chính khách như thứ bộ trưởng càng khó có thời gian đứng lớp hay chui vô phòng thí nghiệm để nghiên cứu này nọ.

Trên thế giới, xưa nay chỉ thấy tiến sĩ, giáo sư chuyển sang làm quan chức, rất hiếm có chuyện đã làm quan chức lại còn tranh thủ làm được tiến sĩ hay được phong GS, PGS. Ấy vậy mà ở ta, trong số GS, PGS vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn năm 2017, người ta thấy có không ít các vị quan chức cấp bộ ngành. Làm công bộc của dân hiện nay, nếu hết trách nhiệm lĩnh vực nào cũng là “ghế nóng”, cũng ngổn ngang bộn bề công việc cần giải quyết cả ngày lẫn đêm, vì dân vì nước. Không hiểu các vị ứng viên GS, PGS lấy đâu ra thời gian để nghiên cứu và giảng dạy?

Vẫn biết, quan chức được phong GS, PGS ở ta không trái với các quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu phong xong rồi chỉ để đấy thì quá phí, trong khi các trường ĐH của chúng ta đang rất cần những vị GS, PGS đích thực, toàn thời gian để dẫn dắt nghiên cứu hay giảng dạy.

Vậy nên, dư luận cho rằng đã đến lúc hãy trả việc xét công nhận GS, PGS về cho chính các trường ĐH, nhà nước chỉ cần đề ra tiêu chuẩn và hạn ngạch là đủ. Điều này vừa thuận theo thông lệ của thế giới, vừa tạo điều kiện để chuyên nghiệp hóa cả chức danh giáo sư lẫn quan chức.

Là giáo sư, hãy làm việc tại các trường ĐH, hãy nghiên cứu và giảng dạy để đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao đích thực, điều mà chúng ta đang thiếu. Là quan chức, là công bộc của dân, trước hết hãy dành hết tài năng và tâm huyết để phục vụ nhân dân như lời Bác Hồ dạy.

Trong một xã hội, ai cũng làm tốt nhiệm vụ của mình theo cách chuyên nghiệp nhất. Giáo sư ra giáo sư, quan chức ra quan chức. Xã hội đó, đất nước đó ắt sẽ nhanh chóng tiến lên văn minh, hiện đại, dân giàu, nước mạnh. 

MỚI - NÓNG