Giữa 'chiến sự' lan rộng

TP - Cảm giác như chúng ta đang ở giữa thời chiến. Chiến sự COVID-19 lan rộng trên bản đồ, như vết dầu loang. Mấy hôm trước địa đầu Đà Nẵng “thất thủ”. Rồi đến Quảng Ngãi, Quảng Nam. Lan rộng dần tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, lên tới Buôn Ma Thuột. 

Riêng Đà Nẵng tính đến chiều tối qua (30/7) đã có 35 ca mắc mới trong tổng số 48 ca phát hiện chỉ trong vòng 5 ngày, trong đó có 5 bác sĩ, nhân viên y tế. Con số kỷ lục trong suốt 2 mùa COVID, đặc biệt toàn bộ đều lây nhiễm từ cộng đồng. Quảng Nam vừa phát hiện 2 ca, đến chiều qua lại thêm 5 ca nhiễm mới. Chỉ qua một đêm 29/7, cả nước có thêm trên 65 ngàn người phải cách ly y tế, và con số sẽ chưa dừng lại… 

 Tâm dịch Đà Nẵng đã sang ngày thứ 4 cách ly xã hội. Rạng sáng nay đến lượt Hội An. Ba bệnh viện lớn của Đà Nẵng cùng với gần ngàn hộ dân các tuyến phố xung quanh đã được rào kín, phong tỏa từ mấy ngày qua. 

Đà Nẵng vừa “phá vòng vây” Bệnh viện Đà Nẵng đưa trên 500 bệnh nhân nhẹ và hơn 800 người nhà sơ tán ra tại các bệnh viện và khu cách ly vùng ven. Để đội ngũ y bác sĩ bám trụ rảnh tay chữa trị các ca bệnh nặng, không chỉ riêng bệnh COVID. Tiếp nhận số bệnh nhân trên, cùng việc bệnh nhân đổ dồn về đây sau khi các bệnh viện lớn bị phong tỏa, Bệnh viện 119 (Bộ Công an tại Đà Nẵng) đang chấp nhận quá tải tới 400%.

Ngoài hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia từ Hà Nội, TP HCM, bệnh viện đang chờ đón sự tiếp sức về nhân lực của các y bác sĩ về hưu, thực tập sinh ngành Y. Thừa Thiên Huế hôm qua cũng chia lửa với mặt trận Đà Nẵng, bằng cách tiếp nhận 11 ca COVID-19 đang chuyển biến nặng về địa phương mình điều trị. 

Hàng ngàn nhân viên y tế, sinh viên Y Dược, thực tập sinh, y tế phường xã, học viên Trường Quân sự Quân khu V tại Đà Nẵng được cấp tốc tập huấn, đã sẵn sàng đội ngũ tăng cường cho tuyến đầu, và ra quân truy vết các ca nghi nhiễm trong cộng đồng. 

Cuộc sống của các bác sĩ và người dân trong vùng “địch COVID tạm chiếm” thu hút cảm xúc và sự quan tâm rất lớn của cả nước. Những dòng nhật ký xao xuyến nhưng đầy tinh thần quyết thắng của những y bác sĩ gửi ra từ “chiến trường” bệnh viện. Đến những núi quà, hàng hóa, nhu yếu phẩm của người dân chi viện đội ngũ nơi tuyến đầu luôn chờ sẵn bên ngoài những hàng rào sắt. 

Bộ chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu từ các địa phương đến lúc này đang chỉ huy chiến trường rất tốt, điều phối nhịp nhàng với các mặt trận mới vừa bị COVID-19 xuyên thủng. Các mũi chi viện, các cánh quân, phương án được thiết lập, với quyết tâm lấy lại thế chủ động, tiến hành phong tỏa, ngăn chặn dần, tiến tới đẩy lui đội quân COVID. 

Chúng ta không được phép “vỡ trận”, ở bất cứ mặt trận nào có bóng dáng loại virus quái ác này. Dẫu cho chiến sự không tiếng súng này ngày mai có thể sẽ còn lan rộng…

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.