Hành trình chủ quyền

TP - Trung Quốc vừa ngang ngược ra lệnh “cấm đánh bắt cá trên biển Đông” trong vòng ba tháng rưỡi, kể từ ngày 1/5/2020. Thực tế những năm gần đây, lệnh “cấm” này đến hẹn lại lên, nhưng âm mưu và quyết tâm việc biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc ngày càng lộ rõ và quyết liệt. 

Cùng với hàng loạt hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, như thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”; vô cớ đặt tên cho 80 cấu trúc thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là hàng loạt hành động vũ lực như: tấn công, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác trên vùng biển chủ quyền của mình.

Nhưng bất chấp tất cả, ngư dân Việt vẫn điềm tĩnh và quả cảm vươn khơi. Mưu sinh bình thường trên vùng biển của quê hương mình, như bao đời nay. Dẫu vươn khơi luôn là hành trình đầy gian khó, hiểm nguy, trên từng mét nước, từng con sóng.

Cả đất nước vẫn luôn dõi theo hành trình ấy. Và lúc này, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, hậu phương của các ngư dân là những người vợ, người mẹ cũng đã có thể dõi theo từng bước chân của chồng con mình giữa đại dương. Thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS.

Đây là thiết bị được bổ sung vào Luật Thủy sản sửa đổi, nhằm quản lý, giám sát các tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Một trong những yêu cầu thuộc quy định IUU của Liên minh châu Âu (EC) nhằm bảo đảm nguồn gốc hợp pháp của hải sản đánh bắt.

Việt Nam luôn nghiêm túc tuân thủ mọi quy định, công ước quốc tế. Hành trình khai thác, mưu sinh của ngư dân Việt cũng luôn được giám sát để không xâm phạm tới nguồn lợi vùng biển của các quốc gia khác. Và cả ngay trên vùng biển của đất nước mình là Hoàng Sa, Trường Sa, thiết bị giám sát hành trình cũng vẫn được chúng ta lắp đặt. Như một minh chứng rõ ràng, rằng nguồn gốc hải sản khai thác từ Hoàng Sa, Trường Sa là hợp pháp!

Nhưng, cùng với bao lo toan chật vật khác, hiện tại, rất nhiều ngư dân của chúng ta đang gặp khó khăn trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho những chiếc tàu cá của mình. Vì kinh phí mua máy lên tới mấy chục triệu đồng, là gánh nặng với đa phần ngư dân “chạy ăn” từng chuyến biển. Rồi không biết chọn mua loại máy nào, rồi cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh hằng tháng,...

Trong khi theo luật, đến trước ngày 1/4/2020, tàu cá không có thiết bị này thì sẽ không được rời bến!

Cuối tháng 10 năm ngoái, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một việc làm đầy ý nghĩa và cần kíp. Ông đã vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ hỗ trợ và trao tặng thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân tỉnh Bình Định với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng.

Việc làm trên rất cần được cả xã hội làm theo, bởi đây chính là lúc những ngư dân nghèo và quả cảm đang rất cần sự tương thân tương ái.  

Bởi hành trình của ngư dân Việt trên biển cả được giám sát không chỉ nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC. Mà còn để chứng minh với thế giới về hải trình chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa một cách công khai, minh bạch và đầy trách nhiệm. 

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.