'Hôi hoa' – chuyện lớn hay nhỏ?

'Hôi hoa' – chuyện lớn hay nhỏ?
TP - Dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối tháng 2 vừa qua, Hà Nội bỗng trở thành tâm điểm truyền thông thế giới, phố phường thủ đô xanh và đẹp hẳn lên nhờ hàng ngàn giò hoa tươi được trang trí kỳ công ở khắp nơi. 

Người dân thủ đô vì hòa bình được dịp thể hiện và tự hào về nếp sống văn minh, thanh lịch và hiếu khách của mình. Những hình ảnh rất đẹp đó đã được hàng ngàn phóng viên quốc tế cùng đông đảo du khách gần xa ghi nhận rồi lan truyền đi khắp thế giới. 

Đáng tiếc, Hội nghị kết thúc vào buổi trưa 28/2 thì ngay chiều tối cùng ngày, những chậu hoa tươi trang trí trong bồn đặt trước cổng khách sạn JW Marriott (nơi lưu trú của Tổng thống Mỹ Donald Trump) đã bị người dân đua nhau đến lấy mang về nhà mình. Loáng cái, cả dãy tiểu cảnh bồn hoa  bị vét nhẵn, chỉ còn trơ khung nom rất phản cảm.

Chưa hết, đến sáng 6/3, ngã ba Kim Mã - Ngọc Khánh bỗng dưng ùn ứ bởi đám đông, cả người đi xe máy lẫn xe hơi, họ dừng xe rồi thi nhau lao lên dải phân cách để hốt trọn những chậu hoa tươi trang trí nơi đây. Cả dải phân cách mơn mởn các loài hoa đang khoe sắc bỗng dưng trụi lủi, xác xơ đến thảm hại.

Ghi nhận của PV thường trú báo Tiền Phong tại Lạng Sơn, chiều 6/3 tại khu vực trước sảnh nhà ga Đồng Đăng, nơi đón và tiễn đoàn Triều Tiên, cả ngàn chậu hoa tươi trang trí nơi đây cũng chịu chung số phận tương tự.

Bất luận thế nào, hành vi tự tiện lấy đi cái không phải của mình là điều không thể chấp nhận ! Còn nhớ cách đây vài năm, có vị nữ phó giám đốc một sở nọ được cho là đã bẻ hoa mai anh đào đang mùa nở rộ trong khi tham quan hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, đã phải viết thư xin lỗi công luận và nhận án kỷ luật.

Nên nhớ, mỗi bông hoa, nhành cây, bất kể ở nơi đâu đều có chủ. Không chủ riêng thì cũng là chủ chung, của cộng đồng, của mẹ thiên nhiên ban tặng. Do vậy, không ai được ngắt hoa bẻ cành nếu không có sự cho phép chính đáng.

Ngay từ khi bước chân tới trường, trẻ em ở nhiều nước văn minh đã được dạy bài học vỡ lòng như thế. Huống hồ, đây lại là những chậu hoa có chủ sở hữu hẳn hoi. Vậy phải gọi tên hành vi lấy một thứ thuộc sở hữu của người khác là gì ?

Báo chí gọi “xấu xí”, “phản cảm” là còn nhẹ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng gọi đích danh là hành vi “ăn cắp”. Chỉ khác một điều, họ không lén lút mà lấy công khai giữa thanh thiên bạch nhật, không chỉ một người mà cả đám đông cùng thực hiện. Dân gian thường gọi đó là “hôi của” lợi dụng lúc cháy nhà hay lụt lội gì đó, trường hợp này có thể gọi là “hôi hoa” chăng?

Có người tặc lưỡi, nhặt vài chậu hoa lúc “rã đám” có nhằm nhò gì đâu mà phải quy kết này nọ. Ăn thua gì với cái lũ sâu mọt tham nhũng, ăn đủ thứ, từ món vụn vặt đến cả trăm tỷ, ngàn tỷ… Đúng là vậy!

Thế nhưng, trong một xã hội văn minh, bất cứ hành vi nào sai trái, dù là phạm trù đạo đức, văn hóa hay pháp luật, đều sẽ bị công luận phê phán ở những góc độ khác nhau. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, và càng không thể vì tham nhũng, tiêu cực đang nhức nhối mà cho phép con người tha hồ làm những điều lệch chuẩn.

Giữa thời buổi không ít chuẩn mực giá trị trong xã hội có nguy cơ bị băng hoại và đảo lộn, việc xử lý nghiêm những hành vi sai trái như “hôi hoa” sau Hội nghị thượng đỉnh nêu trên là điều hết sức cần thiết. Nếu tiếp tục xuê xoa và coi là chuyện nhỏ, ắt sẽ dẫn đến hậu họa lớn.

Bởi một khi cái sai, cái xấu trở nên phổ biến, trở thành não trạng của đám đông, nguy hiểm ở chỗ nó sẽ bị coi là điều “hiển nhiên đúng”. Tư duy của đám đông kiểu này sẽ phá hoại mọi nền tảng văn hóa và đạo đức xã hội, là mảnh đất màu mỡ để thói nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, “chạy” đủ mọi thứ lên ngôi.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.