Khế ước trả bằng mạng sống

TP - Như nấm sau mưa, hoạt động cho vay tài chính ngày đang nở rộ tại Việt Nam và chỉ trong khoảng thời gian không dài, hàng loạt công ty cho vay tài chính được ra đời. Mỗi công ty có hàng trăm, hàng nghìn điểm cho vay nên hoạt động cho vay xuất hiện ở khắp nơi.

Với thủ tục dễ dàng, nhanh chóng và đặc biệt không cần thế chấp, các tổ chức này không khó để thu hút được sự tham gia của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm sự dễ dãi là điều kiện không dễ thở, đó là lãi suất cắt cổ, có khi đến 30% hoặc hơn thế nữa.

Vì vậy, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động cho vay tài chính cũng đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đối tượng vay tiêu dùng của các công ty tài chính hầu hết là những người nghèo, người có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, thiếu điều kiện và cơ hội tiếp cận khoản tín dụng với lãi suất vừa phải từ các ngân hàng.  

Những đối tượng này thường phải chịu rủi ro cao khi vay dễ-trả khó và bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần.  

Điều đáng nói là cách thức thu hồi nợ “không giống ai” của các công ty cho vay tài chính. Các công ty này thường chuyển, thực chất là bán lại nợ khoản nợ khó đòi cho các tổ chức chuyên đòi nợ thuê. Không ít các tổ chức đòi nợ thuê thực chất là giang hồ núp bóng và chúng thường sử dụng cách thức đe dọa, hành hạ, thậm chí truy bức các con nợ thay vì hành xử theo các quy định của pháp luật, khiến nhiều nạn nhân đã phải trả bằng mạng sống.

Sự kiện một người đàn ông tại TP.Hồ Chí Minh là chủ nhân nhiều khoản vay cửa các công ty cho vay tài chính, mới đây đã phải gieo mình xuống sông để thoát khỏi sự truy bức của những “đối tác” đòi nợ thuê là một minh chứng rõ ràng.

Sự việc đau lòng này khiến dư luận xã hội hết sức bất bình. Có đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng công ty cho vay tài chính liên quan đến cái chết của nạn nhân “là ví dụ điển hình cho chúng ta thấy rõ hơn hiện thực chẳng mấy tốt đẹp của các dịch vụ cho vay”. Đại biểu này cũng đặt câu hỏi: Tại sao các dịch vụ cho vay nặng lãi lại có thể tiếp cận người dân dễ dàng bằng việc quảng cáo thông qua các thuê bao điện thoại, các ứng dụng trên điện thoại như vậy?

Nhà nước luôn mong muốn và chắt chiu từng cơ hội, dành từng đồng tiền ít ỏi từ nguồn ngân sách khiêm nhường để hỗ trợ người nghèo. Chính sách hỗ trợ người dân mất việc, bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19 vừa qua là một ví dụ. Song, cũng chính Nhà nước lại buông lỏng để các tổ chức cho vay tài chính hoành hành, áp dụng mức lãi suất cắt cổ, đồng thời buông lỏng việc kiểm soát hoạt động thu hồi nợ dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Cái chết của nạn nhân kể trên là tiếng chuông cảnh báo về vòi bạch tuộc của hoạt động cho vay nặng lãi đang len lỏi vào từng ngõ ngách và ngày càng siết chặt người dân nghèo. Những khế ước cho vay tiền nhưng phải trả bằng mạng sống sẽ chưa biết đến khi nào chấm dứt nếu Nhà nước không ra tay ngăn chặn.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.