Hàng vạn thí sinh làm khán giả

TP - Gần 900 ngàn thí sinh bước vào phòng thi. Hơn 2,6 vạn thí sinh khác phải ngồi ngoài chứng kiến, với tâm trạng bồn chồn, lo âu không kém. Đó là bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chính thức diễn ra sáng nay, ngày 9/8. Bối cảnh lần đầu tiên mới có trong lịch sử thi cử từ khi đất nước thống nhất!

Một năm học đặc biệt bị kéo dài và ngắt quãng lâu chưa từng thấy. Một năm học “chắp vá” giữa học trên lớp và trực tuyến. Các môn học buộc phải giảm tải, cắt ngắn giữa chừng. Và giờ đây là kỳ thi quan trọng nhất với mỗi đời học sinh sau 12 năm học, cũng thật bất thường. Với tên gọi mới, tạm thời thoát khỏi nhiệm vụ “2 trong 1” như trước. Thủ tục vào phòng thi lâu hơn bình thường, bởi phải xử lý phòng dịch. Nhân viên y tế dày đặc khắp các điểm thi, xe cấp cứu trực sẵn…

Tất cả đang diễn ra như giữa thời chiến bởi “bão” dịch COVID-19. Cả đất nước đang căng mình chống dịch. Nhưng lúc này không chỉ có nỗi lo về dịch. Đã có sự phân tâm ghê gớm, của cả xã hội, trong mỗi gia đình, với từng thí sinh. Rằng năm nay nên “thi hay bỏ thi?”. Nhưng muốn bỏ thi, chỉ xét tốt nghiệp thì phải sửa Luật Giáo dục. Luật lúc này làm sao sửa kịp? 

Hơn 2,6 vạn thí sinh làm “khán giả” bất đắc dĩ kỳ thi tốt nghiệp THPT sáng nay đang nằm giữa các vùng phong tỏa, những điểm nóng của dịch bệnh chết người. Là toàn bộ thành phố Đà Nẵng, là thành phố Hội An cùng 5 huyện thị của Quảng Nam, là thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Là một số điểm thi tại Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Ngãi, những nơi xuất hiện dấu hiệu phức tạp của dịch bệnh.

Đến chiều tối qua, khi chỉ còn hơn chục tiếng nữa là kỳ thi bắt đầu, lại thêm một điểm thi với 352 thí sinh ở thành phố Quảng Ngãi có lệnh khẩn cấp dừng thi, bởi giáo viên ôn thi, coi thi vừa phát hiện có liên quan đến bệnh nhân COVID. Trong những “khán giả” ấy, có hàng trăm thí sinh đang ở bên trong bức tường rào của những khu cách ly tập trung vì là F1, F2 với dịch bệnh…

Hơn 2,6 vạn thí sinh sáng nay không thể đến phòng thi ấy, sẽ được thi đợt 2 khi chấm dứt dịch bệnh. Nhưng đó là khi nào, cũng chính là câu hỏi chưa có lời đáp của cả thế giới, lúc này!

Hơn 2,6 vạn nỗi lo. Lo dịch giã, chết chóc xung quanh. Lo áp lực ôn tập, thi cử. Lo về sự công bằng, các trường đại học ưng ý liệu còn “chỗ” chờ đến lượt mình? Liệu đề thi sau sẽ khó hơn? Lo dịch giã nếu cứ kéo dài, đến khi vào năm học mới rồi mà vẫn chưa thể tổ chức thi đợt 2, thì sao?!

Sáng nay, sẽ có bao nhiêu thí sinh do quá áp lực, lo lắng, do thời tiết nóng bức hay mưa gió trở trời mà phát sốt, không thể vào phòng thi? Hẳn sẽ có không ít.

“Không để một ai bị bỏ lại phía sau!”. Mệnh lệnh ấy chúng ta đều đã quen thuộc, nhất là từ khi đại dịch bắt đầu tàn phá. Hôm nay, hơn 2,6 vạn con, em chúng ta giữa cảnh vây khốn của dịch bệnh đã tạm thời phải “lùi” lại phía sau, trong kỳ thi khát khao chờ đợi sau suốt mười mấy năm miệt mài đèn sách.

Một lần nữa nhắc lại khẩu hiệu ấy, mệnh lệnh của lương tâm ấy, thiết nghĩ sẽ không thừa…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.