Không bị cướp, có kiểm tra?

TP - Trước đòi hỏi của báo chí và dư luận trong suốt tuần qua về sự minh bạch thu phí tại trạm Dầu Giây, Tổng cục Đường bộ quyết định chính thức kiểm tra trạm này bắt đầu từ hôm nay (18/2) là việc làm đáng hoan nghênh.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, việc kiểm tra được thực hiện do có nhiều ý kiến người dân nghi ngờ vấn đề thu phí sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí này. Sau khi có kết quả kiểm tra, sẽ công bố công khai trước công luận. 

 Tuy nhiên, việc kiểm tra sẽ được tiến hành như thế nào, với thành phần ra sao để đảm bảo tính trung thực, khách quan lại là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Liệu có đại diện của người tham gia giao thông, đại diện của các tổ chức nghề nghiệp - xã hội liên quan như hiệp hội vận tải, taxi… ? Ngoài những nghiệp vụ chuyên môn cần thiết của một cuộc thanh kiểm tra như giấy tờ sổ sách, liệu việc đếm lưu lượng xe qua trạm - bao gồm các chủng loại theo mệnh giá thu phí - có được thực hiện một cách công khai, minh bạch?

 Một doanh nhân người Việt đang làm việc tại một nước châu Âu thuộc khối Schengen cho hay, nhân viên thuế vụ bên đó rất hay cải trang thành người mua hàng để phát hiện các hành vi trốn thuế tại các cửa hàng bán lẻ. Trường hợp họ phát hiện ra, dù chỉ một lần không nhập hóa đơn vào máy được nối trực tiếp với cơ quan thuế, cơ quan này sẽ lập tức cử nhân viên tới ngồi công khai tại quầy thu ngân để đếm trực tiếp số tiền bán hàng mỗi ngày. Nếu số tiền bán hàng thực tế có sự chênh lệch đáng kể với số liệu khai báo, chủ cửa hàng sẽ phải đối mặt với không ít rắc rối. Việc thông đồng hay hối lộ nhân viên thuế tại đây là bất khả thi.

 Thiết nghĩ, cách làm của các nhân viên thuế vụ nêu trên hoàn toàn có thể áp dụng trong việc giám sát các trạm thu phí BOT tại Việt Nam. Chỉ khác một điều, nên có thêm đại diện của người nộp phí và báo chí tham gia để tránh tiêu cực xảy ra trong quá trình giám sát.

 Thêm nữa, trong bối cảnh việc thu phí không dừng liên tục bị trì hoãn, kế hoạch thanh kiểm tra ngót trăm trạm BOT trên cả nước cần được Tổng cục Đường bộ chủ động thực hiện liên tục, thậm chí đột xuất không cần thông báo trước. Đừng để chỉ đến khi một trạm BOT nào đó bị trộm cướp viếng thăm làm “lộ” số tiền trong két sắt, như trạm Dầu Giây vào sáng mùng 3 Tết Kỷ Hợi vừa qua, từ đó dấy lên mối nghi ngờ lớn trong dư luận về tính minh bạch của việc thu phí, cơ quan này mới công bố kế hoạch kiểm tra.

 Còn ngày nào chưa thu phí không dừng, còn ngày nào chưa công khai minh bạch số tiền thu được mỗi ngày cũng như số ngày còn lại được phép thu của chủ đầu tư tuyến đường BOT, ngày đó trách nhiệm phải liên tục kiểm tra và công bố công khai kết quả của Tổng cục Đường bộ là điều hết sức cần thiết.

 Dư luận hoan nghênh việc kiểm tra trạm thu phí Dầu Giây. Tuy nhiên chúng ta có quyền tiếp tục đặt câu hỏi, nếu không bị cướp “đột xuất”, liệu trạm Dầu Giây có nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan chức năng? Và khi nào đến lượt các trạm BOT khác trên cả nước vào lịch thanh kiểm tra? 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".