Không người lái

TP - Đó là chiếc đồng hồ treo tường ốp gốm sứ Ba Tư tôi mua được ở một phiên chợ quốc tế tại Đà Nẵng hồi tháng trước. Gian hàng nhỏ của Iran buổi tối ấy chỉ có hai người, là người đàn ông Tehran đứng tuổi lịch thiệp, và một nữ phiên dịch.

Xung quanh họ là những tấm thảm Ba Tư đẹp đến mê mẩn, những chiếc bình đủ loại, bằng đồng dát men sứ, bằng sơn mài tạo tác với xương lạc đà, những ly trà hoa hồng khô Rose Buds mời khách thơm dịu… Tôi chọn mua chiếc đồng hồ cùng tông màu với chiếc bình gốm men xanh cẩm thạch pha những sắc màu huyền ảo truyền thống của xứ sở mình từng mơ mộng suốt thời ấu thơ mà chưa từng được đặt chân đến này.

Hôm qua, tôi ngắm lại thật lâu chiếc đồng hồ và bình gốm trác tuyệt ấy. Khi từ khóa “Iran” bỗng chốc trở thành điểm nóng nhất trên truyền thông thế giới. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vừa rút lệnh tấn công vào Iran để trả đũa cho việc “một máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ”. Một quyết định được đưa ra chỉ trong vòng 10 phút khi mọi ngón tay đã chuẩn bị bấm nút. Sẽ có khoảng 150 thường dân Iran thiệt mạng bởi đợt công kích đầu tiên này, đó là con số mà ông Trump được báo cáo. Và Tổng thống Mỹ đã quyết định ngừng, bởi theo lời ông, đó là một sự trả đũa “không tương xứng” (not proportionate). Không tương xứng khi “lấy mạng” 150 thường dân Iran, để bù cho việc (chỉ) bị mất một chiếc máy bay trinh sát không người lái?

Chiến tranh Mỹ với Iran thực ra có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Giữa một hợp chủng quốc hùng mạnh nhất thế giới có lịch sử hơn 200 năm, với một quốc gia nhỏ có nền văn minh cổ xưa nhất thế giới. Khi xung đột giữa hai bên ngày càng căng thẳng. Như mọi cuộc xung đột dữ dội đang diễn ra trên toàn cầu. Với những nguyên do đầy tính kinh điển của thời hiện đại. Mà rất nhiều quốc gia, khu vực và thậm chí cả thế giới sẽ cùng bị ảnh hưởng, dù đa phần trong vai trò của những “kẻ dự khán”. Dự khán sự chết chóc, đổ nát tang thương của một quốc gia, của đồng loại…

Mới đây, nhóm các nhà khoa học Anh và Mỹ phát hiện mắt của loài chó đã tiến hóa rất nhanh, để có những biểu cảm gần gũi với con người hơn bao giờ hết. Việc biến đổi cơ mặt quanh mắt khiến đôi mắt chúng trở nên to hơn, “có biểu cảm như của trẻ sơ sinh nhưng đồng thời cũng ánh lên chút buồn”.

Thiên tài Vật lý Stephen Hawking là người luôn dành nhiều suy nghĩ về thân phận “con sâu cái kiến” mà loài người vẫn quen giày xéo hàng ngày. Trong sự tương quan giữa cái gọi là trí tuệ, sự “thông minh” mà con người luôn tự phụ, với khả năng sinh tồn lâu bền thực sự.

Chiếc kim đồng hồ xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” trên tường căn phòng nhỏ bé của tôi vẫn quay. Những sứ giả cần mẫn của thời gian loài người. Và nghĩ về những tấm thảm bay huyền thoại. Máy bay cho dù không người lái cũng không phải là những tấm thảm bay trong cổ tích. Không người lái nhưng có thể rất nhiều người sẽ phải chết. Rất nhiều quốc gia bị hủy diệt, bị đẩy bật ra khỏi đường đi của nhân loại. 

Mà mỗi chúng ta chỉ mong chiếc đồng hồ treo trên tường nhà mình vẫn quay. Mỗi ngày. Đều đặn, bình an…

MỚI - NÓNG