Không phải ấu dâm

TPO - Rùng mình cảnh Jeff, tay thợ ảnh 32 tuổi run rẩy đứng trên mái nhà, dây thừng tròng trên cổ, bước xuống… Trước áp lực như ma thuật của Hayley - một cô bé 14 tuổi xinh xắn. Hard Candy kết thúc một cách thảm khốc như vậy. Trong tiếng thì thầm của cô bé nói với theo một thân/thi thể đang rơi: “Or not” (Có thể là không). 

Cả bộ phim thời lượng 104 phút (Hollywood sản xuất, 2005) hầu như chỉ là những màn tra tấn, hành hạ thể xác lẫn tinh thần đến ớn lạnh của cô bé nhỏ xíu với gã đàn ông lực lưỡng, từng trải có vẻ ngoài đào hoa lịch thiệp. Khi anh ta rơi vào cái bẫy cô bé giăng sẵn. Jeff là nạn nhân hay là hung thủ trong vụ cưỡng bức tình dục một người bạn thân của Hayley trước đó mà cô đang tìm cách bắt anh ta phải thú tội và đền tội? Đến hết phim vẫn không một bằng chứng nào, không một lời thú tội chính thức nào về việc đó. 

 
Không phải ấu dâm ảnh 1 Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn.

Đó mới chính là điều nhức nhối và đáng sợ. Nhức nhối, vì người lớn, pháp luật đâu cả rồi, khiến một đứa trẻ 14 tuổi phải tự mình ra tay? Vì suốt cuộc đời còn lại của Hayley phải sống trong nỗi ám ảnh không chỉ về cái chết thảm do tự tử của cô bạn thân, mà còn là phút cuối đời rùng rợn của gã đàn ông mà cô bé quả quyết đó chính là thủ phạm. Còn đáng sợ, bởi ranh giới, dấu vết của loại tội ác này thật mong manh…

Suốt tuần nay, dường như cả nước lên cơn sốt với hai chữ “ấu dâm”.  Khi khắp nơi ồ ạt xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hai chữ  “ấu dâm” mà báo chí, mạng xã hội đang dùng với tần suất lớn chưa từng có, kỳ thực để chỉ một chứng bệnh của những kẻ bị rối loạn tình dục, chuyên ham muốn tình dục với trẻ vị thành niên. Đó không phải là tội. Không thể gọi là “vụ ấu dâm” như là một hành vi phạm tội.

Kể cả gọi là “Tội phạm ấu dâm” – thì cách gọi vẫn thoát ra, vẫn chuội ra ngoài bản chất thực sự của hành vi tội ác, nhờ vào vỏ bọc mông lung của từ Hán Việt.

Phải gọi đúng tên của loại tội phạm đặc biệt này. Đó là “Bức hại tình dục trẻ em”. Chứ “xâm hại tình dục” như cách nói bây giờ vẫn còn nhẹ. Luật Hình sự của ta, đây được quy vào tội “Dâm ô đối với trẻ em”, khung hình phạt tối đa 12 năm. Tên gọi vẫn “nhẹ hều”. Các mức án cũng chưa tương xứng với di chứng tội ác mà những kẻ bệnh hoạn gieo xuống biết bao cuộc đời bé bỏng. Trong khi ở Mỹ gọi thẳng đây là tội “Tấn công tình dục trẻ em”.

Có một thời, tội ác tày trời này ở ta còn được xếp chung với các tội “Xâm phạm trật tự công cộng” (Bộ Luật hình sự 1985)…

Nhớ mãi một chị phụ nữ ở một phường của quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm ấy gõ cửa tìm đến tôi cùng một xấp đơn tố cáo và mấy bức ảnh. Ảnh con gái chị. Cháu bé 6 tuổi ấy, theo lời tố cáo, đã bị gã hàng xóm hơn 30 tuổi nhiều lần lén lút bức hại tình dục. Sau hơn một năm trời ôm đơn kêu cứu khắp nơi, dấu vết tội phạm nào còn nữa trên cơ thể cháu bé, ngoài những cơn hoảng loạn, thất thần? Nào phải giết người, trộm cướp hay kiện cáo đất đai để có thể giữ lại tang chứng vật chứng, đo đếm thiệt hại? Cháu bé đã phải đến ở với ông bà ngoại từ bấy đến nay để khỏi phải ngày ngày trông thấy bóng ma khiếp đảm vẫn nhởn nhơ cạnh nhà.

Vết máu nơi vùng kín của em bé lớp 1 ở Thủ Đức (TP HCM) là do bị bức hại tình dục, hay chỉ do té ngã? Những động thái của các bên liên quan là gì? Sao mà nó mơ hồ đến vậy? Mơ hồ như mọi vụ cưỡng bức tình dục trẻ em đã và đang xảy ra khắp nơi. Trở thảnh nỗi ám ảnh, sợ hãi lây lan toàn xã hội ...

Và vì sao với một tội ác còn kinh dị hơn giết người ấy, vẫn diễn ra những cuộc hòa giải giữa đôi bên để cho sự việc “chìm xuồng” trong im lặng? Vì sao các em nhỏ trong nhà trường được học Luật phòng chống tham nhũng. Trong khi lại được truyền đạt sơ sài về quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm thân thể. Đặc biệt là thiếu những bài học, kỹ năng phòng tránh các biểu hiện quấy rối, lạm dụng, xâm hại, cưỡng bức tình dục.

Trên mạng, có ý kiến khá cực đoan, cho rằng có lẽ cần phải “hy sanh” vài vụ để làm gương?! Theo nghĩa cứ phải bắt phải xử, chứ đợi quy tụ đủ vật chứng, bằng chứng theo luật định, thì cầm chắc sẽ phải thả tay. So sánh với nhiều quốc gia văn minh, hễ có dấu hiệu là tạm giam ngay nghi can để điều tra. Đồng thời lập tức đặt khu vực xảy ra vụ việc (kể cả là hoang báo, hoang tin) trong tình trạng báo động.   

Đang thấy trên mạng loan truyền thông điệp: “Tất cả đàn ông hãy cách xa trẻ em 1 mét !”. Nếu như “hình phạt” này, ở Mỹ chẳng hạn, chỉ dành cho những kẻ đã mang tội tấn công tình dục trẻ em, thì ở ta, tất cả mọi đàn ông, không loại trừ cả cha, anh của các em bị cũng phải gánh chịu.

Thật đáng sợ ! Nỗi sợ này đang nuốt chửng mọi niềm tin để sản sinh ra nỗi sợ khác lớn hơn.

Hoang mang như sự ra tay tàn độc của cô bé 14 tuổi với tay thợ ảnh trong Hard Candy. Nhầm còn hơn bỏ sót!

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn,
Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung

MỚI - NÓNG