Không tham nhũng, sợ gì giặc!

TP - Ở tuyến đầu chống dịch, các bác sỹ, nhân viên y tế vẫn đang vô tư lao vào chống giặc vô hình; khắp các mặt trận vẫn nhiều nhiều lắm những tổ chức, con người chống giặc vô tư. Tất cả đều không tiêu cực, tham nhũng thì còn gì phải sợ giặc COVID nữa!

1.Trường hợp bệnh nhân 867 được công bố nhiễm SARS-CoV-2 tạo thêm áp lực ngăn chặn dịch căng thẳng ở Hà Nội, nơi từng phải áp dụng “nhà đông phố trống” ở giai đoạn đối phó COVID-19 lần đầu. Nói thông tin về ca bệnh này gây áp lực là vì: Đây là trường hợp thứ 2 nhiễm COVID mà cơ quan chuyên môn chưa xác định được FO (trường hợp thứ nhất ở  Đà Nẵng); Bệnh nhân đã đến ít nhất 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội, sau đó đến nhiều nơi khác nhưng đã lọt lưới biện pháp buộc cách ly ngay từ đầu; Các y, bác sỹ dường như đã không xác định được những biểu hiện của bệnh nhân như ho, sốt, chụp phổi có tổn thương… là do COVID.

Chỉ một bệnh nhân mất dấu FO như vậy giữa Thủ đô đông đúc dân cư sẽ kéo theo hàng loạt gánh nặng, công việc cực nhọc mò kim đáy bể cho các cơ quan chức năng như: Truy tìm nguồn gốc nhiễm virus cho bệnh nhân; truy tìm F1, F2; khoanh vùng cách ly, khử khuẩn cho những nơi 867 đã đặt chân đến…

2. Sáng 13/8, Bộ Y tế thông tin về trường hợp bệnh nhân COVID-19 thứ 18 ở nước ta tử vong. Con số cứ tăng dần! Dù virus corona chỉ như giọt nước làm tràn ly với tất cả 18 ca tử vong này, song buồn ở chỗ, đó vẫn là những sinh mạng mất đi do COVID-19. Tuổi đời của bệnh nhân tử vong “trẻ hóa” dần, nỗi buồn của thường dân cũng vì thế mà tăng theo. Với lương y ở vùng dịch, gần như tất cả đều xoay xở, đối phó nhiều bề để tìm cách cứu bệnh nhân. Ngày 12/8, Bộ Y tế phối hợp tổ chức hội thảo điều trị cho bệnh nhân suy thận mãn tính trong điều kiện dịch COVID-19 còn chưa thể khống chế. 

3. Đã là cuộc chiến, sẽ có lúc thắng lúc thua. “Chống dịch như chống giặc” cũng vậy. Bên cạnh tin xấu, hôm nay cũng đã có 10 bệnh nhân COVID được công bố khỏi bệnh về với gia đình. Đây là số bệnh nhân thoát khỏi COVID lớn nhất trong  1 ngày kể từ khi Đà Nẵng bùng phát dịch, là tín hiệu vui trong công tác chống dịch. Dù cũng trong ngày 13/8, tâm dịch Đà Nẵng có đến 22 ca mắc mới, song con số này có thể được kết luận khi cả nghìn mẫu được xét nghiệm. Tỷ lệ ca nhiễm/mẫu xét nghiệm này phải chăng đã cho thấy có tín hiệu đủ để tin vào mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế sớm thành công?

4. Chiều 12/8, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, có ý kiến phàn nàn “không dám mua sinh phẩm, kit xét nghiệm vì sợ vi phạm quy định” được đưa lên bàn nghị sự. Sau những vụ tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch bị xử lý, rõ ràng tâm lý lo sợ, không dám mua, bán đó có cơ sở tồn tại. Nơi nào được cấp trên hướng dẫn cụ thể mới dám mua thiết bị chống COVID. Thế nghĩa là thụ động, thủ thế, e sợ! Và nỗi e ngại ấy hẳn đã được hóa giải khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ cách thức trao đổi với doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, xác định mức giá… rồi khẳng định “Cứ thế mà mua, công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không có gì phải ngại”!

Ở tuyến đầu chống dịch, các bác sỹ, nhân viên y tế vẫn đang vô tư lao vào chống giặc vô hình; khắp các mặt trận vẫn nhiều nhiều lắm những tổ chức, con người chống giặc vô tư. Tất cả đều không tiêu cực, tham nhũng thì còn gì phải sợ giặc COVID nữa!

MỚI - NÓNG