Lắng nghe và thấu hiểu

TP - Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai đã đi qua, mọi thứ đang trở lại phục hồi. Tuy nhiên, như một cơ thể yếu đang gượng dậy sau cơn ốm dài ngày, rất nhiều thứ  vẫn đang bộn bề, chưa ổn.

Trong khốn khó, cứu cánh cho hàng chục ngàn doanh nghiệp và cả chục triệu lao động trông chờ vào chính là các gói hỗ trợ. Rà soát gói hỗ trợ COVID lần thứ nhất, dù được tiến công trên  đầy đủ  “mặt trận”:  tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội,  với tổng mức cam kết lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng đánh giá một cách công bằng, chúng ta hiện thực chưa được như kỳ vọng. Đơn cử: giảm thuế nhưng chưa triệt để, không đủ để doanh nghiệp thấm và ngấm đỡ khó khăn; giảm lãi suất nhưng điều kiện cho vay còn chặt, nên rất nhiều  cơ thể dù “đói” nhưng không có cách nào tiếp cận được gói vay lãi suất thấp; hay chính sách an sinh cho vay lương với lãi suất 0 phần trăm, đếm trên đầu ngón tay, biết được mấy doanh nghiệp đụng được vào?

Dịch quay lại đến và qua đi đã thực sự xô ngã nhiều doanh nghiệp, khiến họ lại quay cuồng đối mặt trong khó khăn. Xót xa nhìn thấy  các con số thống kê:  hàng ngàn lao động mất việc, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng bên bờ vực phá sản.  Đứt gãy dòng tiền, chuỗi sản xuất bị gián đoạn, hàng tồn kho, tài chính quay cuồng khiến không chỉ chủ doanh nghiệp khốn khó mà kéo theo là hàng vạn lao động mất việc, giảm thu nhập, thậm chí không được trả lương. Hàng tồn kho khiến họ chới với bởi không thể đem các đồ sản xuất vốn dùng để xuất khẩu “ép” người lao động phải… xài. 

Đại dịch COVID-19 đang đi qua Việt Nam với hai làn sóng, dù khắc chế nhanh chóng nhưng nó cũng đủ khiến “cơ thể” của nền kinh tế bị tổn thương. Lần đầu tiên, sản xuất công nghiệp thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế dù Chính phủ đã phải hạ chỉ tiêu xuống trên 5%  phù hợp với tình hình thực tế, nhưng đến giờ, dự báo của các tổ chức kinh tế lớn thì khả năng còn kém một quãng xa.

Cho đến thời điểm này, thông tin nóng sốt nhất là Chính phủ đã chuẩn bị “kích thích” nền kinh tế bằng gói hỗ trợ COVID lần 2. Điểm đáng lưu ý là từ thực tế tình hình doanh nghiệp, và rút kinh nghiệm gói hỗ trợ lần 1, gói lần này phải làm sao không để “nói suông” mà cần biến thành hiện thực. Hiện, Chính phủ đã đề nghị các bộ ngành có sự rà soát nghiêm túc, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, có chính sách rõ ràng, dài hơi và khả thi. Còn tâm lý chung của cộng đồng doanh nghiệp, đều muốn trong gói lần này, cần có sự nới lỏng các điều kiện. “Ra gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp sống, đứng dậy sau bão, chứ không phải bó chặt điều kiện, khiến doanh nghiệp ngồi nhìn để từ từ chết”, một chủ doanh nghiệp khó khăn chia sẻ.

Thiết nghĩ, ở thời điểm khó khăn này, hy vọng, những nỗi niềm của doanh nghiệp sẽ được lắng nghe, thấu hiểu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.