Lệch chuẩn, vì đâu?

TP - Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, giang hồ cộm cán từng vào tù ra tội bỗng một ngày có hàng triệu người theo dõi trên youtube, facebook. Thậm chí, khi “giang hồ mạng” bước ra đời thực có cả trăm bạn trẻ đi theo, háo hức muốn có tấm hình chụp cùng “thần tượng”. Ngay cả phong cách ăn mặc không giống ai, lời ăn tiếng nói được cho là “chất” của các “ngôi sao” mạng này cũng nhanh chóng lan tỏa trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ.

Một hiện tượng lệch chuẩn thực sự đáng báo động! Các bậc phụ huynh và toàn xã hội lo ngại, làm gì để con em chúng ta không bị ảnh hưởng giữa thời buổi 4.0 với nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống có nguy cơ bị đảo lộn này ?

Các nhà quản lý xã hội đang đứng trước một thách thức lớn chưa từng có tiền lệ, một khi bất kỳ ai cũng có thể livestream những gì họ thấy lên mạng. Không những thế, với những người có “ngàn like, triệu view”, việc kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là điều có thật và dễ như trở bàn tay.

Thực trạng này có trách nhiệm không nhỏ của các tập đoàn khổng lồ như Google, Facebook. Họ bất lực hay phớt lờ những hệ lụy xã hội khi hưởng lợi lớn từ kho nội dung số khổng lồ - cả tốt lẫn xấu – do chính người dùng tạo ra ? Mới đây, Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua đạo luật buộc các nền tảng như Facebook, Google phải chịu trách nhiệm cho những gì người dùng đăng tải, trong đó có cả tiền bản quyền nếu dẫn nguồn từ báo chí hoặc các nhà làm nội dung. Cơ quan chức năng của EU cũng sẽ phạt nặng các công ty Internet như Google, Facebook nếu không gỡ bỏ các nội dung cực đoan trên mạng trong vòng một giờ.

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, hẳn phải có những nguyên nhân chủ quan. Nữ sinh ở Hưng Yên sẽ không bị lột đồ và đánh đập dã man nếu thầy cô sâu sát và trách nhiệm, bạn bè chứng kiến không vô cảm mà ra tay cứu giúp. Những kênh youtube nhảm nhí sẽ không thể có tới hàng triệu người theo dõi nếu như các bạn trẻ được dạy dỗ tới nơi tới chốn ở cả gia đình và nhà trường. Trong một môi trường luôn có sẵn cả mớ thông tin, xấu tốt lẫn lộn như hiện nay, việc trang bị cho giới trẻ một “bộ lọc” của chính họ là điều tối cần thiết lúc này.

Thời đại 4.0, một khi điều hay lẽ phải chưa “phủ sóng” đủ mạnh, ắt “cỏ dại” sẽ có đất lây lan. Báo chí truyền thông còn ưa giật tít câu view, các kênh tự phát truyền bá tư tưởng, lối sống lệch chuẩn còn có cơ hội xuất hiện.

Lệch chuẩn, có trách nhiệm không nhỏ từ chính người lớn chúng ta.

MỚI - NÓNG