Lỗi tư duy

TP - Nhiều ngôi làng trù phú trở nên vắng vẻ, thậm chí tiêu điều. Một số nơi đã gọi “vàng đen” thành vận đen.

Ở Tây Nguyên từng có những ngôi làng tỷ phú, bà con đi lên từ gốc tiêu, cà phê, cao su… Những cây chủ lực của vùng đất đỏ bazan đã góp phần tạo nên những biệt thự bề thế giữa đồi núi trập trùng. Những năm gần đây, “vàng trắng” (mủ cao su), “vàng đen” (hạt tiêu) và cà phê xuống giá.

Nhiều ngôi làng trù phú trở nên vắng vẻ, thậm chí tiêu điều. Một số nơi đã gọi “vàng đen” thành vận đen.

Như một vòng luẩn quẩn đến sốt ruột: Được mùa, nông dân đua nhau trồng tiêu, cà phê, cao su; mất mùa lại phá chuyển sang trồng sầu riêng, bơ. Bây giờ, điện mặt trời lên ngôi, người ta còn quan tâm tới những dự án điện 1 MW. 

Thậm chí, ở một số nơi Tây Nguyên, các nhà đầu tư có dấu hiệu núp bóng trang trại nông nghiệp công nghệ cao; mua cổ phần các công ty cà phê thua lỗ để nhắm tới những héc ta đất “vàng” ven thành phố với mục đích làm đô thị.

Trồng cà phê, cao su, tiêu… lỗ, chuyển sang trồng ớt; lỗ tiếp, nhà đầu tư sẽ tính kế chuyển đổi đất. Những mánh mung này, dân làm bất động sản chuyên nghiệp ở Thủ đô quá thuộc bài. Nay, họ vào Tây Nguyên, đất rộng và nông sản xuống giá, tha hồ thao túng.

Vậy ai sẽ quy hoạch và tư vấn hỗ trợ nông dân lúc này? Qua quan sát, chính một số doanh nghiệp chuyên đồ uống cà phê vào thị trường Việt Nam có khi sâu sát kỹ thuật với nông dân hơn cả. Một giám sát kỹ thuật của thương hiệu cà phê nổi tiếng kể rằng, họ phải hướng dẫn tỉ mỉ từ việc khống chế vườn đạt bao nhiêu độ ẩm để biết cây cần nước tưới lúc nào, phân bón ra sao…

Họ còn biết hướng dẫn bằng cách chuyển hóa ngôn ngữ kỹ thuật tối giản để nông dân dễ hiểu. Trong bối cảnh, nhiều nước dùng kỹ thuật cao tạo ra dòng sản phẩm đảm bảo hương vị, nhưng tách những chất không có lợi cho sức khỏe; ở ta vẫn chú trọng tới số lượng xuất khẩu.

Cả thế giới biết Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng để kể ra được dòng sản phẩm đẳng cấp (thế giới) không dễ. Chưa kể giá trị xuất khẩu gạo trước giai đoạn dịch COVID-19 cũng khiêm tốn (khoảng 3 tỷ USD).

Quy hoạch vùng cây trồng cũng giống quy hoạch đô thị. Không thể lỗ mỗ kiểu “da báo”. Trồng cây, xây nhà theo phong trào để rồi vấp phải quả đắng “giải cứu” nông sản; đô thị mắc kẹt giữa giăng mắc giao thông. Chưa kể, nếu người đứng đầu chính quyền nặng tư duy nhiệm kỳ, quy hoạch có thể bị phá vỡ.

Tại Tây Nguyên, nhiều nơi trồng cà phê ngon, nhưng người ta vẫn nuối tiếc khu vực gần Đèo Hà Lan (Buôn Hồ, Đắk Lắk). Ở đó thực sự từng có sản phẩm riêng biệt (nghe nói khi kiểm nghiệm cà phê có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe, hương vị thơm ngon).

Không có gì buồn hơn khi giữa vùng thủ phủ cà phê mà uống những hạt cà phê nhập khẩu (giá cao) lại ngon hơn. Đừng đổ hết lỗi cho thị trường, lỗi tư duy mới đáng quan ngại!

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.