Lớn hơn ở Tiền Phong

TP - 21/6 là dịp mỗi người làm báo “lắng lòng” lại để nghĩ về nghề. Mỗi bước ta đi, đều có dấu ấn của cá nhân và có sự tương trợ của đồng nghiệp và người bên cạnh.

Năm nay, kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo Tiền Phong có thêm một niềm vui khi đạt 2 giải C giải báo chí quốc gia. Hai giải thưởng đều thể hiện dấu ấn cá nhân của tác giả và sự tương trợ của đồng nghiệp trong cơ quan. Khi giải báo chí quốc gia đến thời điểm cuối cùng nhận bài dự thi, tôi nhận được điện thoại từ phía Chi hội báo Tiền Phong đề xuất gửi loạt bài lùm xùm xét duyệt giáo sư, phó giáo sư năm 2019.

Quả thật, cho đến lúc chi hội thông báo kết quả giải thưởng, tôi chưa thể tin mình có thể là người đoạt giải. Đề tài lùm xùm xét duyệt giáo sư, phó giáo sư đến với tôi thật tình cờ khi có trong tay bức tâm thư của nhóm các nhà trí thức trẻ phản ứng và tỏ thái độ “không phục” trước tiêu chuẩn của các thành viên giáo sư, phó giáo sư trong hội đồng ngành năm 2019.

Từ bức tâm thư, lần theo, bóc tách mới thấy chuyện xét duyệt giáo sư, phó giáo sư năm 2019, năm đầu tiên thực hiện theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ thay cho Quyết định 74 (mà tôi đã từng gọi là “chuyến tàu vét”  năm 2018) có một số vấn đề cần phải lên tiếng để công việc lựa chọn những tinh hoa hàng đầu Việt Nam được chuẩn chỉ, không còn kẽ hở cho những kẻ “háo danh” lợi dụng.

Phản ánh một vấn đề động chạm đến “danh hiệu” của một số giáo sư, phó giáo sư đầu ngành không phải là chuyện dễ khi họ đều là những người đức cao vọng trọng. Nhưng nhờ sự tin tưởng của tòa soạn, mỗi bài viết của tôi đều được đón nhận từ chính những người “trong nhà”. Cũng không thể không kể đến những giáo sư, những trí thức trẻ đã có những gợi ý, những chia sẻ về “mảng khuất lấp” trong đội ngũ của mình.

Năm nay, Ban khoa Giáo của báo Tiền Phong có 2 tác giả cùng đạt giải C. Hai loạt bài của báo đạt giải C, một liên quan đội ngũ trí thức Việt Nam, một liên quan nguồn nước sông Đà phục vụ sinh hoạt cho người dân Thủ đô bị ô nhiễm. Không gai góc nhưng đây là những đề tài dân sinh, thực sự góp phần tạo nên bức tranh đa diện của cuộc sống. Niềm vui của hai nữ nhà báo nhận giải C cũng là niềm vui chung của cả Ban Khoa giáo của Tiền Phong khi đây là ban khá độc đáo: 100% thành viên là nữ.

Viết về lĩnh vực giáo dục vốn vừa khó lại vừa dễ. Nhất là khi lĩnh vực giáo dục không còn được nhìn ở một chiều mà phải soi chiếu dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh; không phải đứng ở góc nhìn của cơ quan ban hành chính sách mà phải đứng ở góc nhìn của người “thụ hưởng” chính sách đó chính là học sinh, sinh viên, phụ huynh. Và khi đó, chính những người không bao giờ ghi tên trong bài báo đã giúp tôi có được tư duy phản biện, đa chiều trước mỗi vấn đề của giáo dục.

Không chỉ loạt bài đạt giải C lần này mà những loại bài khác tôi viết đều có sự dẫn dắt, định hướng từ chính những người âm thầm phía sau mặt báo. Phóng viên là những người trực tiếp xông pha vào đời sống, nhưng họ rất cần những cái “đầu lạnh” đứng từ phía xa, có cái nhìn bao quát, tổng thể định hướng. Nếu không làm báo theo kiểu chiến dịch như vậy, có phóng viên chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng và nếu chỉ viết bài như thế những bài báo chỉ dừng lại ở dạng thông tin thời sự.

Nhưng báo chí vốn là tấm gương phản ánh của xã hội. Chính vì vậy, vẫn luôn cần những người có cái nhìn riêng, với sự “nhạy cảm thông tin” rất nghề, soi chiếu vào thực tế sinh động. Đó cũng là lẽ sống để mỗi nhà báo vẫn còn chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

MỚI - NÓNG