Lũng đoạn đất vàng

TP - Chất vấn Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, ĐBQH nêu tình trạng đất đai bị buông lỏng quản lý gây thất thoát, lãng phí, thậm chí tiêu cực vì nhóm lợi ích.

Đại biểu nêu bức xúc của cử tri về cơ chế thu hồi đất còn bất cập, giá đền bù cho dân thấp, người hưởng lợi cao chính là doanh nghịệp. Tỷ lệ không nhỏ tỷ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ các dự án phát triển bất động sản. Đầu cơ, lấn chiếm đất công, gây sốt đất tại các đặc khu thời gian qua chưa được ngăn chặn kịp thời.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho biết: Đoàn giám sát chỉ ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng đất, xác định giá đất gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Có ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong cổ phần hóa gây thất thoát đất đai, biến đất công thành đất tư. Ví dụ Công ty TNHH MTV Giao thông công chính (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) trong cổ phấn hóa đã bán luôn lô đất không đầu tư gì thu lời 40 tỷ đồng. Vậy còn bao nhiêu doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã bán trao tay chúng ta thu lại được tiền không? Ai móc ngoặc, ai lợi ích nhóm? Phải chăng đây chính là lỗ hổng lớn trong cổ phần hoá mà giá trị đất không được tính hoặc chỉ tính với giá bèo trước khi  rơi vào tay các đại gia tại TPHCM, Đà Nẵng và một số địa phương? ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo lắng: Đường xuống biển bị tư nhân hóa, làm rào chắn không cho dân đi qua, dân muốn tắm không được. Tương lai gần, các đặc khu nhất là Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, quản lý đất đai còn thiếu chặt chẽ, việc tư nhân hóa bãi biển chiếm đất của dân không đúng quy định, phải sửa, ai sai phải chịu trách nhiệm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, có tình trạng giao, cho thuê đất chưa căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều dự án không triển khai gây lãng phí. Nhiều dự án lấn chiếm không gian công cộng bãi biển, bờ sông. Tình trạng xác định giá quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không sát thị trường trong các dự án BT,cổ phần hóa các DNNN.Chính phủ và Thủ tướng đã chấn chỉnh nhưng chưa được thực hiện hiệu quả. Chính phủ yêu cầu ngăn chặn tình trạng mua bán đất trái phép đang nóng tại một số địa phương; kiểm tra điều chỉnh lại các dự án ven biển, trả lại không gian biển phù hợp cho dân.

Đất đai là công sản, tư liệu sản xuất đặc biệt và cũng là tài sản quý giá nhất của người dân. ĐBQH cảnh báo cần bịt lỗ hổng, tránh một số cán bộ tha hoá móc ngoặc đi đêm thâu tóm, biến đất công thành đất tư. Nếu không, nhiều lô đất vàng sẽ tiếp tục rơi vào tay một số cá nhân khiến họ giàu nhanh còn người dân thêm khốn khó; gia tăng các vụ khiếu kiện đông người, gây bức xúc xã hộ.

MỚI - NÓNG