Ma mị ở thế giới ảo

TP - Cái chết của D. bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An nằm ngoài tưởng tượng của mọi người. 

Chưa bao giờ thế giới ảo lại thu hút nhân loại như hiện nay. Đó là một cách để người ta dễ dàng trốn khỏi thế giới thật. Trong game, người chơi không bao giờ chết, nên đến một mức nghiện nào đó, họ tưởng ngoài đời cũng như vậy…

Cái chết của D. bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An nằm ngoài tưởng tượng của mọi người. Thủ phạm H, nam sinh lớp 11 được nạn nhân tin tưởng và chính cậu bé đã xin mẹ cho sang nhà anh hàng xóm chơi. Vậy mà phải sau 3 ngày thi hài em mới được tìm thấy. H. khai khi bị công an triệu tập là chơi trò bắt cóc rồi giải cứu theo game. Khi thấy mọi người đổ xô đi tìm D., H. hoảng sợ nhưng thay vì trình báo thì lại ỉm đi. Đây là lúc con nghiện thế giới ảo phải đối diện với thực tại và không biết xử lý thế nào.

Cũng giống như vụ thủ phạm An giết lái xe taxi năm ngoái, An (cũng ở Nghệ An) nghiện game sau khi cứa cổ nạn nhân xong dường như sực tỉnh. Không dám cướp gì và bỏ chạy. An, sinh năm 1999 sau đó phải chịu án tử hình.

Dân nghiện game bạo lực mất khả năng phân biệt thực ảo, sống chết. Ngoài việc tự giết bản thân vì chơi quá đà, kiệt sức, họ còn “vô tư” lấy đi mạng sống của người khác, kể cả người thân trong gia đình. Năm 2013, nam sinh viên Cần Thơ đã lên kế hoạch giết 10 người theo một mệnh lệnh ảo của chủ nhóm game, coi như điều kiện để tham gia nhóm. Bị bắt giữ sau khi cố giết nạn nhân đầu tiên, nam sinh này được đưa đi trị bệnh tâm thần và 3 năm sau nhận án 7 năm tù.

Tại Trung Quốc, năm 2005, một sinh viên đã cầm dao đâm chết bạn tại ký túc xá vì cay cú do bị bạn “giết” 23 lần trong game bạo lực. Mười năm sau, tại tỉnh An Huy, hai học sinh giết chết hai cụ già rồi dùng rượu hỏa thiêu bắt chước trò luyện đan trong game.

Hàn Quốc từng có ít nhất 2 vụ bố mẹ mải chơi game bỏ mặc con mình chết đói. Đáng chú ý, vợ chồng Kim Jae-beom không biểu lộ chút xúc động nào trước cái chết của đứa con 3 tháng tuổi. Khi bé chết cũng là lúc họ đang say sưa chăm bẵm một đứa trẻ ảo trong trò Prius. Hàn Quốc phát triển mạnh về game. Các game thủ chuyên nghiệp có thể kiếm được hàng triệu USD từ các giải đấu hoặc bán tiền ảo lấy tiền thật.

Năm 2018, tại Game Awards, Joser Fares, giám đốc của một game được trao giải đã cao hứng thốt lên: “Dẹp Oscar đi!” trước 17 triệu khán giả trong chương trình phát sóng trực tiếp. Giải thưởng ra đời năm 2003 này được ví như Oscar của ngành game. Về tài chính, đúng là game đã vượt mặt điện ảnh từ lâu. Từ năm 2016 ngành game ở Mỹ đã thu về hơn 30 tỷ USD, trong khi các rạp phim thu chưa tới 12 tỷ.

Thực tại của phim ảnh và đặc biệt của văn học nói chung đã được chắt lọc qua lăng kính nghệ thuật và nhân văn của các tác giả. Trong khi game khai thác và khuếch đại những gì thuộc về bản năng trong con người. Trong những trò chơi nhập vai, nhân vật có thể mang luôn gương mặt của người chơi. Trong quá trình bị màn hình thôi miên, người chơi giống như nhập hồn vào trò chơi, chỉ để lại cái xác trong đời thực.

“Nghiện Internet” trong đó có game được WHO xếp vào một trong những hội chứng toàn cầu trong Cẩm nang Phân loại Bệnh Quốc tế 2018. Chúng ta đã có những biện pháp đối với nghiện ma túy. Còn nghiện game đặc biệt là game bạo lực? Đã đến lúc phải tìm cách.        

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.