Mác nào cho trường quốc tế?

TP - Không như những gì quảng cáo, phần lớn các trường tư thục hiện nay tự “gắn mác” quốc tế và tự quảng bá chất lượng quốc tế.

Gần vào dịp đầu năm học, mỗi ngày tôi nhận năm đến bảy cuộc gọi từ các trường quốc tế ở Sài Gòn. Là người có con đang học ở đầu cấp như tôi, chuyện được mời gọi để đưa con vào học ở trường quốc tế không có gì lạ.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in từng cuộc gọi mời, giới thiệu về trường: Nào là trường đạt chuẩn quốc tế được các tổ chức uy tín thế giới cấp phép, xe đưa đón tận nhà, giáo viên nước ngoài giảng dạy; Tiếp nữa, khi du học, các con sẽ được các trường bản xứ tuyển thẳng.

Các nhân viên sale (bán hàng) gọi điện không quên “gợi ý” những người đăng ký sớm… được giảm học phí. Với nhiều phụ huynh giàu có, cho từ 15 đến 40 nghìn USD học phí/năm (tùy trường) cho con không phải là vấn đề họ bận tâm. Nhưng với tôi, đó là cả một gia sản.

Có phải tất cả các trường “quốc tế” đều đúng như những gì họ marketing?

Bạn tôi, Linda Trần, người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam đầu tư mở một trường quốc tế ở quận Phú Nhuận nói rằng, trong danh sách hàng trăm trường mang danh quốc tế tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, số trường chuẩn quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Quả không sai khi Linda Trần chia sẻ với tôi một danh sách về các tiêu chí mô tả về trường quốc tế do Hiệp hội Quốc tế về Công tác Thủ thư trường học đưa ra.

Đó là các tiêu chí: Khả năng chuyển tiếp chương trình học của học sinh giữa các trường quốc tế; tập thể học sinh đa quốc gia và đa ngôn ngữ; có một chương trình giảng dạy quốc tế được các tổ chức quốc tế như Hội đồng các trường quốc tế, Tú Tài Quốc tế…công nhận. Ngoài ra, trường đó có số lượng giáo viên đến từ nhiều quốc gia và thông thường giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Nếu có các tiêu chí ấy, đích thị trường đó đạt chuẩn quốc tế.

Thực tế, không như những gì quảng cáo, phần lớn các trường tư thục hiện nay tự “gắn mác” quốc tế và tự quảng bá chất lượng quốc tế. Giáo viên quốc tế cơ hữu của mỗi trường chỉ được vài người, số còn lại là giáo viên ở các trường công “chạy sô” hoặc giáo viên vừa ra trường. 

Trong khi đó, trước khi đăng ký vào trường quốc tế, phụ huynh học sinh không mấy người đủ trình độ chuyên môn để thẩm định chất lượng đào tạo, và cơ sở vật chất, tính chuyên nghiệp của một ngôi trường đạt chuẩn quốc tế là thế nào.

Số liệu mới nhất của Sở GD&ĐT TPHCM cho thấy, trên địa bàn thành phố chỉ có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài, hay còn gọi là trường quốc tế được cấp phép. Như vậy, các trường có tên nước ngoài nằm ngoài số đó đều là trường tư thục tự gắn mác quốc tế. Đó cũng là lý do đang có sự nhầm lẫn lớn giữa “trường tư” và “trường có yếu tố nước ngoài”.

Một vài người bạn của tôi, cho con học hết chương trình phổ thông tại một trường quốc tế trong nước, song khi ra nước ngoài bị yêu cầu học lại chương trình phổ thông. Lý do là quốc gia mà các em đến không công nhận bằng, các chứng chỉ mà những học sinh này nhận được. Lúc đó, nhiều người mới vỡ lẽ…bị nhầm!

Sự việc đáng tiếc ở trường quốc tế Gateway gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng toàn diện ở các trường quốc tế hiện nay. Bộ GD&ĐT nên ban hành chuẩn đánh giá, thẩm định chất lượng đào tạo của các trường có yếu tố nước ngoài tự “định danh” quốc tế.

 
MỚI - NÓNG