Mất & được

Mất & được
TP - Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện có tới 155 nước trên thế giới đã có Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Trong khi đó, việc soạn thảo dự luật này tại nước ta đã trải qua 2 nhiệm kỳ của Quốc hội mà vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. 

Điều này cũng dễ hiểu, một khi ngành rượu bia Việt Nam đang có “sức nặng” ghê gớm với hơn 43 ngàn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước năm 2017. 

Với mức tiêu thụ lên tới 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia tương đương 4 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành “cường quốc” bia rượu trên thế giới. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người cao nhất thế giới với 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều gấp 4 lần người Singapore.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải giật mình nếu nhìn vào những con số thống kê do hậu họa của một “cường quốc” bia rượu như Việt Nam mang lại. Thiệt hại kinh tế do rượu bia gây ra ở mức thấp nhất đã là 1,3% GDP, tương đương 65 ngàn tỷ đồng. Chưa kể chi phí thiệt hại do TNGT liên quan tới rượu bia khoảng 1% GDP nữa, tương đương khoảng 50 ngàn tỷ. Nạn “xe điên” kinh hoàng trên phố, có phần đóng góp không nhỏ từ ma men.  Còn nữa, chi phí bệnh tật do rượu bia mang lại cũng ngốn tiếp khoảng 0,25% GDP nữa, khoảng 25 ngàn tỷ đồng.

Thử hỏi, với những gì đã mất, liệu 43 ngàn tỷ đồng tiền thuế do ngành rượu bia đóng góp, có bõ bèn ? Hiển nhiên, cái mất lớn gấp nhiều lần cái được.

Chưa kể, lâu dần “văn hóa rượu bia” đã ngấm sâu vào đời sống sinh hoạt xã hội, thậm chí trở thành một thứ tệ nạn đáng báo động. Nhân viên một quầy bar nổi tiếng ở một KS 5 sao ở Hà Nội kể rằng, trước nhà hàng chủ yếu phục vụ khách tây, giờ ngược lại toàn khách ta mà toàn gọi cả chai whisky hạng sang khiến tây tròn cả mắt. Anh giải thích, “văn hóa uống rượu mạnh của tây thường chỉ nhâm nhi vài ly, chứ không bao giờ ép nhau rồi “zô zô” ừng ực cả chai như ở ta.

Việc kiểm soát và chấp hành quy định đủ tuổi mới được phép uống bia rượu ở nhiều nước trên thế giới cũng rất chặt chẽ và tự giác. Nhớ cách đây hơn chục năm, trong đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm nước Mỹ theo chương trình “Khách tham quan quốc tế” (International Visitor Leadership Program - IVLP), khi chúng tôi vào một nhà hàng và gọi mỗi người một cốc bia, một đồng nghiệp đã phải xuất trình giấy tờ tùy thân vì bị nhân viên nhà hàng nghi ngờ… chưa đủ tuổi, bởi nom anh có vóc dáng nhỏ nhắn và nom rất trẻ so với tuổi. Ở Mỹ, tùy luật pháp của từng bang, quy định từ 18-21 tuổi mới được phép sử dụng bia rượu. Những quy định nghiêm ngặt tương tự cũng tồn tại từ lâu ở nhiều nước châu Âu khác. 

Kể chuyện trên để thấy rằng, bia rượu là mặt hàng được kiểm soát rất chặt chẽ tại nhiều nước văn minh trên thế giới, vì sức khỏe của cộng đồng. Bởi vậy, không lẽ gì Việt Nam lại có thể là một ngoại lệ. Vẫn biết ngành bia rượu đang đóng thuế hàng chục ngàn tỷ, đem lại công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người như một ĐBQH nói trên nghị trường. Song giữa cái mất và cái được như đã phân tích ở trên, dứt khoát phải hạn chế và kiểm soát chặt chẽ rượu bia như các nước đang làm. 

MỚI - NÓNG