Máy chấm, máy chữa

TP - Năm nay, máy chấm thi tốt nghiệp nhiều bài (trắc nghiệm) từ 9 điểm bị rớt nhầm xuống còn 0 điểm. Tổng hơn 20 điểm xuống còn điểm 0. Năm ngoái, máy chấm điểm 0, người lén lút “phết” thành điểm 9-10. Tổng điểm lẹt đẹt 1-2 vọt lên ngôi thủ khoa 29-30 điểm!

Lỗi chấm nhầm năm nay, được cho rằng do lỗi phần mềm, như nhận dạng sai định vị chấm, không phân biệt được thí sinh tự do với thí sinh mới...

Máy gì thì máy, thực chất đều do thứ “máy chạy bằng cơm”, tức do con người điều khiển, chi phối.

Bộ Y tế vừa đề xuất quy định các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa phải trải qua một kỳ thi sát hạch cấp quốc gia mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau 5 năm sẽ phải thi lại, như các quốc gia khác.

Xôn xao tiếp theo, lại về vụ bác sĩ Hoàng Công Lương. Khi các chuyên gia vừa công bố: nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Hòa Bình không phải như kết luận đã khiến bác sĩ Lương lãnh án 30 tháng tù. Tức là bệnh nhân tử vong không phải do ngộ độc hóa chất Florua tồn dư trong quá trình làm sạch hệ thống nước, mà do các van nước bị hỏng, khiến nước ô nhiễm chưa được lọc chạy thẳng vào hệ thống máy chạy thận!

Số phận bác sĩ trẻ Hoàng Công Lương sở dĩ gây chấn động, thậm chí hoang mang với giới y khoa, bởi nỗi lo ai cũng có thể trở thành “Hoàng Công Lương dự bị”.

Không còn là tâm lý e ngại nữa, mà đã thành sự thật đau lòng. Qua câu chuyện được kể bởi TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại hội nghị ngành Y mới đây. Đó là khi đoàn công tác của Bộ Y tế tới bệnh viện của một tỉnh phía Bắc, thì phát hiện trường hợp sản phụ đã tử vong, nhưng thai nhi vẫn còn có thể cứu, dù tỉ lệ thành công chỉ còn 20%. 

Mẹ đã chết nhưng tim con vẫn còn đập thêm 5 phút nữa. Tuy nhiên kíp bác sĩ trực đã không dám cứu. Bởi theo lời họ, “từ vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, chúng em không dám làm sai quy trình. Nếu thành công, đây là điều kỳ diệu. Nếu thất bại, chúng em sẽ bị khởi tố vì ai cho mổ để chết cả mẹ lẫn con”.

Quy trình đó là phải thông báo và chờ sự đồng ý của người nhà, làm sao kịp trong vòng 5 phút?! Chưa kể còn bị vặn vẹo, thắc mắc, đôi co đủ kiểu. Đã có những vụ bác sĩ bị gia đình bệnh nhân vây đánh, cả khi vừa cứu sống thân nhân của họ.

Thi chứng chỉ hành nghề đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong ngành Y. Nhưng thiết nghĩ đây là điều cần thiết. Trong bối cảnh đào tạo Y khoa của ta hiện đang bất cập, từ chênh lệch điểm xét tuyển đầu vào, đến trình độ, quy mô đào tạo, cơ sở kỹ thuật, thực hành… Khiến đội ngũ bác sĩ có độ chênh lệch lớn về trình độ chuyên môn.

Tất nhiên đừng biến chứng chỉ hành nghề bác sĩ thành một thứ “giấy phép con”, có thể mua bán, tiêu cực, như đang xảy ra với đủ loại văn bằng, chứng chỉ khác.

Nhưng quan trọng hơn, là những bất cập trong quy trình khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh ra sao. Trong dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2020.

Để các thầy thuốc không còn e ngại chùn tay, tự biến mình thành những cỗ máy chữa bệnh.

MỚI - NÓNG