Một miếng khi đói...

TP - Mấy ngày nay, nghe nhiều chuyện cảm động trong mùa cách ly toàn xã hội vì dịch COVID -19. Một người bạn kể: gia đình chị họ anh đang gặp khó. Cả 3 người lao động tự do bên ngoài mất việc. Con trai lớn gặp bệnh nan trọng phải mổ . Vì đang thời điểm cách ly cũng như lúc này  gia đình không còn tiền khiến cả nhà cảm thấy bế tắc. “Nghe buồn quá, chưa biết tính sao?”, anh thở dài. 

Cùng lúc, môt nhóm bạn ở Hà Nội vừa đứng lên kêu gọi quyên góp và chuẩn bị hàng trăm suất ăn miễn phí dành cho người nghèo, lao động khó khăn hay sinh viên tại Thủ đô. Hình ảnh những tấm biển “Mời lấy một suất ăn” án ngữ tại 4 địa điểm những ngày thành phố vắng sự ồn ào này cùng phía sau là hàng ngàn tấm lòng xúm tay vào quyên góp khiến cộng đồng thấy ấm áp. Nhưng đó, mới chỉ là những hòn đá nhỏ ném xuống biển hồ, cần hơn cả lúc này là gói hỗ trợ lớn và trực tiếp của Chính phủ để “rót” cho cả triệu người nghèo, doanh nghiệp khó trên cả nước! 

Thông tin Tiền Phong có được, đến giờ này dự thảo Nghị quyết  của Chính phủ đã sẵn sàng. Một tư lệnh ngành kể, ngành ông tuần qua phải  họp xuyên suốt “bục mặt, mờ mắt”, và Chính phủ cùng một số thành viên vừa họp lo “dập dịch”, vừa lo  bàn sửa cho nhanh ra được dự thảo Nghị quyết.  

 Theo dự thảo, “Gói an sinh” khoảng 61.850 tỷ đồng với dự kiến gồm 3 cấu phần: 36.000 tỷ thuộc ngân sách nhà nước và địa phương sẽ bơm hỗ trợ trực tiếp đến người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng, hơn 10.000  tỷ được hỗ trợ gián tiếp qua bảo hiểm thất nghiêp và  16.500 tỷ cho doanh nghiệp vay lãi suất 0%  qua Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho người lao động.  

Những ai sẽ được hưởng trợ cấp  tiền mặt và những doanh nghiệp nào sẽ được vay lãi suất 0%? Soạn thảo từ Bộ LĐTB&XH  cho thấy, gói hỗ trợ được “khoanh vùng” như sau: hỗ trợ bằng tiền cho 56 đối tượng gồm:  người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội,  lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể và người lao động và lao động mất việc.

Về điều kiện, Bộ LĐTB&XH nêu rõ:  điều kiện đối tượng lao động có hợp đồng được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng/tháng khi nghỉ không lương nhưng phải kèm điều kiện nghỉ từ 14 ngày trở lên; còn lao động tự do tức là mất hẳn việc làm sẽ được hưởng 1 triệu đồng/người/tháng và tối đa 3 tháng dự kiến sẽ lấy xác nhận tại chính quyền  địa phương. Còn với gói vay lãi suất 0%/năm là doanh nghiệp khó khăn về tài chính, được vay không cần tài sản đảm bảo nhưng phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và chỉ được vay tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng.

Nếu đã sẵn sàng, vậy Nghị quyết của Chính phủ còn đợi gì? Lần giở lại mới thấy gói này do chưa có tiền lệ, cụ thể là Luật Ngân sách Nhà nước, không có quy định nào cho gói trên (có 4/6 trong nhóm đối tượng được hưởng không thuộc mục ngân sách), cho nên, Chính phủ không thể “tự quyết”.  Bước tiếp theo sẽ là trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (do luật chưa điều chỉnh) về các biện pháp hỗ trợ này. Chỉ khi có sự thống nhất, Nghị quyết mới chính thức được ban hành và cấp dưới mới xắn tay vào triển khai được. 

“Nước xa không cứu được lửa  gần”, hiểu điều này nên không chỉ riêng Chính phủ mà cả hệ  thống chính trị đang vào cuộc và cố gắng “chạy” hết tốc lực. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cho nên lúc này bao đối tượng mong: Gói hỗ trợ sẽ sớm được thông qua nhanh nhất có thể. 

MỚI - NÓNG