Nan đề

Nan đề
TP - Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng TPHCM lại bế tắc về giao thông. Các cửa ngõ vào thành phố, từ đường bộ đến đường hàng không, và cả đường thủy đều gặp khó. Trong nội đô, dường như mọi ngả đường luôn trong trạng thái đông cứng xe cộ.

Tắc nghẽn giao thông luôn trở thành vấn đề bức xúc và cũng là thách thức hàng đầu đối với chính quyền thành phố này từ nhiều thập niên qua.

Nhiều giải pháp, công trình được triển khai thực hiện nhưng tình trạng tắc nghẽn giao thông không những không giảm mà ngày càng thêm trầm trọng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự mất cân đối giữa gia tăng dân số với quy hoạch dân cư và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

TPHCM có tốc độ gia tăng dân số cơ học quá nhanh và quá lớn. Theo tính toán của nhà chức trách, cứ mỗi 5 năm thành phố tăng khoảng 1 triệu dân. Như vậy, trung bình 1 năm tăng thêm 200 nghìn người. Bên cạnh đó, số lượng dân tập trung tại khu vực nội thành chiếm đến 79% và mật độ dân số tại các quận trung tâm quá cao, từ trên 40 nghìn đến 42 nghìn người/km2 (số liệu điều tra dân số năm 2019), trong khi mức mất an toàn, theo khuyến nghị của quốc tế, là trên 8.000 người/km2.

Sự mất cân đối về mật độ dân cư là hệ quả của chính sách quy hoạch bất hợp lý. Chính quyền thành phố đã phát triển ồ ạt và nén các cao ốc, trung tâm thương mại ở khu trung tâm trong khi chậm phát triển các khu đô thị ven đô để giãn dân.   

   Trong khi đó, các giải pháp, công trình phát triển giao thông phần lớn chỉ chú trọng đến trước mắt, chắp vá thiếu đồng bộ, thiếu tính tổng thể và căn cơ. Nguồn lực tài chính và quỹ đất phát triển đường sá, hạ tầng giao thông được đầu tư không tương ứng và không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Các giải pháp quản lý thiếu khoa học, hiệu quả khi để phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ trong khi phương tiện giao thông công phát triển ì ạch và phơi lộ nhiều bất cập.

Chưa kể, năng lực quản lý của một số người được giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách phát triển hạ tầng giao thông yếu kém nên đã để các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông bị trì hoãn hoặc rất chậm tiến độ. Dự án đường sắt trên cao Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1) là một ví dụ. Chỉ khoảng 20 km đường nhưng công trình này kéo dài hơn 10 năm, đến nay vẫn còn dang dở và chưa biết đến khi nào hoàn thiện.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khác khiến giao thông TPHCM ì ạch là sự thiếu liêm chính của những người lãnh đạo. Chưa bao giờ thành phố phải đối mặt với tình trạng “ngã ngựa” của các nhà quản lý địa phương như thời gian qua. Điều đó không tránh khỏi ảnh hưởng đến sự phát triển ở thành phố.

Sự mất cân đối về phát triển và đầu tư khiến giao thông của thành phố hơn chục triệu dân luôn là một nan đề. 

MỚI - NÓNG