Nặng gánh

TP - Tỷ giá liên tiếp lập đỉnh trong bối cảnh nhiều đồng tiền trên thế giới cũng có biến động mạnh trong vòng một tháng trở lại đây không chỉ gây áp lực lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà cả với cơ quan quản lý.

Ngày 3/8, tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới khi được cơ quan điều hành tăng 10 đồng so lên mức 22.676 đồng. Với mức tăng này, tính từ đầu năm 2018, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 1,1%. Với liên ngân hàng, tính đến đầu tháng 8, tỷ giá cũng đã tăng 2,5% so với cuối 2017. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức kỷ lục với 23.500 đồng ở chiều mua vào và 23.520 đồng ở chiều bán ra.

Trước biến động của đồng USD, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải lên tiếng trấn an về căng thẳng tỷ giá và đưa ra các giải pháp can thiệp thị trường. Nhìn chung, với biên độ tỷ giá trung tâm cho phép +/- 3 %, diễn biến tăng tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát và phù hợp với diễn biến xu hướng các khu vực.

Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu thuần, tỷ giá tăng đem lại nguồn lợi rất lớn cho các doanh nghiệp có hoạt động gia công nhiều như ngành dệt may, da giày hoặc chế biến như thủy sản, cao su. Ở chiều ngược lại, với các ngành sản xuất, tỷ giá tăng luôn là tín hiệu xấu khi chi phí đầu vào đội lên rất lớn, sức ép tăng giá hàng hóa khó tránh khỏi. Ðiểm nhanh có thể thấy hàng loạt các doanh nghiệp ngành điện, thép, dầu khí, thực phẩm, phân bón sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới vì tác động của tỷ giá tăng.

Với bình diện quốc gia, nợ nước ngoài càng lớn càng khiến gánh nặng trả nợ thêm nặng nề. Tổng nợ nước ngoài của Việt Nam đến cuối năm 2017 lên tới hơn 2,4 triệu tỷ đồng (tương đương khoản nợ hơn 109 tỷ USD) sẽ khiến Chính phủ và các doanh nghiệp phải chi thêm hơn 1 tỷ USD để bù đắp phần chênh lệch tỷ giá. Ở tầm doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ trở lên đắt đỏ hơn. Sức ép trả nợ cũng tăng lên đi kèm các khó khăn về kinh doanh với các doanh nghiệp có “sức khỏe yếu”. Cán cân thương mại quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần do tác động của các cơn sốc điều chỉnh tỷ giá trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới.

Giảm nhập siêu, giảm tỷ lệ nhập khẩu trong xuất khẩu đi cùng với nâng cao hiệu quả xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ là biện pháp bắt buộc để sức mạnh nền kinh tế được cải thiện và hạn chế bớt tác động của các cú sốc điều chỉnh tỷ giá. Còn nếu không tình hình sẽ ngày càng xấu hơn.

MỚI - NÓNG