NCoV và tăng trưởng

TP - Nhiều khi giải pháp chính là khống chế nỗi sợ hãi, chứ không phải co rúm lại, than khóc trong nghịch cảnh.

Corona đang hoành hành ở một quốc gia chiếm đến 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đang lên kế hoạch bơm 170 tỷ USD vào nền kinh tế để vực dậy thị trường tiền tệ và giải cứu doanh nghiệp.

Hầu như các chuyến bay tới Trung Quốc đã bị dừng. Nền kinh tế Việt Nam-một nước láng giềng cũng manh nha một gói phải pháp: Khắc phục thiệt hại, đồng thời phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Thiên tai, dịch bệnh là những thứ ngoài mong muốn; không kế hoạch phát triển kinh tế nào có thể lường hết các tình huống. Nó thử thách bản lĩnh, tính linh hoạt của Chính phủ điều hành kinh tế của mỗi quốc gia bị ảnh hưởng. Thế giới hội nhập đã trải qua nhiều tao đoạn khủng hoảng kinh tế. Như 17 năm trước dịch Sars, rồi sau đó Mers, H5N1…, kinh tế khu vực và toàn cầu ít nhiều có những liều vắc -xin cho mình. Tuy nhiên, thử thách với corona lần này dự báo sẽ khốc liệt hơn với nền kinh tế Trung Quốc và thế giới. Theo các nhà kinh tế, thứ mà các quốc gia lo ngại nhất chưa chắc đã là con virus hiện hữu; nó chính là “nỗi sợ hãi” trong mỗi con người. Nỗi sợ hãi quá mức sẽ làm cho người điều hành quốc gia yếu bóng vía hoặc nhụt chí dẫn tới thiếu tỉnh táo; mỗi cá nhân co rúm lại… khiến tất cả đình trệ (tăng trưởng kinh tế thấp).

Ở Việt Nam, các con số đã được trù liệu. Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến hai kịch bản tăng trưởng GDP. Theo đó, khống chế dịch càng chậm, kinh tế tăng trưởng càng khó khăn. Giả sử, dịch corona được khống chế trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu). Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu). Như vậy, mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra năm nay, được bộ chuyên ngành đánh giá thực sự là một thách thức lớn.

Một giả thiết do Bộ Công Thương đưa ra, nếu dịch sớm được kiểm soát dưới 3 tháng, dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm từ 400 đến 600 triệu USD (giảm khoảng 5-8%).

Mặc dù thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm chính trị bằng cách nhấn mạnh thông điệp: Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Các thành viên Chính phủ sẽ buộc phải năng động hơn để tìm các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh khó khăn này. Đây là thời điểm để nhận diện tài năng xoay xở của các bộ trưởng. Chắc chắn, những cuộc giải cứu nông sản không chỉ trông chờ vào lòng thương người tiêu dùng nội địa như nhiều năm trước; những gói tín dụng ưu tiên; chính sách xuất nhập khẩu… sẽ phải tính toán cẩn trọng và trúng mục tiêu hơn.

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có 8 lĩnh vực chính (du lịch, thương mại, y tế, giao thông, dịch vụ bán lẻ, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các ngành sản xuất theo chuỗi và dịch vụ tài chính) bị ảnh hưởng lớn. Nhưng, “nỗi sợ hãi” mới có tác động lớn nhất, thì Thủ tướng vừa thể hiện bằng sự tự tin: Không có gì phải sợ.

Nhiều khi giải pháp chính lại là khống chế nỗi sợ hãi, chứ không phải co rúm lại, than khóc trong nghịch cảnh.

MỚI - NÓNG