Ngày mai, củ khoai

TP - Vừa đọc được cái tút của một bạn facebook, cũng là người quen ngoài đời. Đọc xong thoáng giật mình, rồi lan man nghĩ ngợi.

Cái tút ấy nguyên văn thế này: “Đón một người bạn Sài Gòn về Đà Nẵng chơi, dẫn anh đi ăn mì Quảng. Anh ngồi gắp hết thịt ăn trước. Mình hỏi sao vậy? Anh bảo thời sinh viên, chủ yếu ăn các quán cóc vỉa hè, anh thường để thịt ăn sau thì mấy lần bị trật tự đuổi, nhiều lúc bỏ nguyên tô thịt. Thế là anh rút kinh nghiệm ăn thịt trước. Ăn cơm sườn, anh cũng ăn miếng sườn trước, sau đó rưới mắm lên cơm ăn sau. Từ đó anh quen. Giờ đi làm, thu nhập khá nhưng dù ăn ở quán nào, nhà hàng nào, anh cũng ăn thịt trước vì ám ảnh trật tự đuổi. Nghe như bí quyết của kẻ trộm mía là ăn từ dưới gốc lên để có bị đuổi thì cũng không tiếc do mình đã ăn phần ngọt trước. Xã hội này di căn lại nhiều bệnh tật, thói quen mà nói tới là cười trào nước mắt”.

Đó thực ra là điều không mới. Ông bà xưa đã chẳng dạy “Biết có sống đến ngày mai không mà để dành củ khoai đến sáng?”. Nhưng nghĩ ngợi vì cái tâm thế xã hội. Có những tâm thế nguyên thủy mà con người không thể rời bỏ. Ngay cả ở những nơi con người ta không phải thon thót lo sợ giặc giã, thiên tai, dịch bệnh…

Như nỗi sợ về cái chết, khi thời dịch vật này thấy thiên hạ suốt ngày bị ám về cái chết. Dạo nọ có mấy sinh viên tìm đến tôi hỏi về thơ để làm luận văn tốt nghiệp. Nói về “giải thiêng” trong thơ hiện đại. Tôi bảo có một thứ cũng cần “giải thiêng” mới hiểu được tâm thức thơ thời nay, đó là cái chết. Để suy tư được rằng cái chết không phải là thứ ghê gớm, mà ai cũng nơm nớp run rẩy né xa.

Có hài hước không, khi cả Socrate lẫn Arthur Schopenhauer đều gật gù tâm đắc: “Nếu ta gõ cửa các nấm mồ và thử hỏi các người chết xem họ có muốn sống lại không, có lẽ họ lắc đầu từ chối”? Triết gia siêu hình người Đức kết luận “thiên nhiên không làm cái gì là thừa, và cũng không bố thí”. Về thời gian, sức lực, trí tuệ chia cho mỗi cá thể người. “Sự sống tắt đi, nhưng cái nguyên lý sống nó biểu thị ở sống thì không thay đổi”. Đó là niềm an ủi lớn nhất, và rất đời, thuộc về ý chí chứ không phải những niềm tin siêu nghiệm. 

Nhớ lại trong một bài viết cũ của mình, từng hỏi: Tương lai có phải là ký ức không? Tôi vẫn tin rằng đang có một chiều thời gian với những bước thời gian khác biệt, không phụ thuộc vào hệ quy chiếu không - thời gian hiện hữu. Và như thế, trong suy nghĩ của tôi, thời hiện đại với quá nhiều khúc ngoặt bất ngờ không thể dự lường của sinh tồn và tâm thức loài người, mọi thứ nhiều khi đang chậm-hơn-sự-dừng-lại? Trên một nền thời gian khác?

Ở Malaysia, hai bị cáo tàng trữ ma túy vừa bị tuyên án dựa trên sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI). Robot AI đã có thể chữa bệnh cứu người, rồi mai này liệu đến lúc robot ngồi tuyên tử hình tội phạm? Rất có thể, dù không phải trên “nền thời gian” khác nào đó mà ta chưa biết đến.

Ngày mai của củ khoai, có lâu không?

MỚI - NÓNG