Ngày mai xin bắt đầu từ hôm nay

TPO - Ngày mai con  tôi vào vỡ lòng. Vỡ lòng, mới chỉ là những mảnh đá dăm nho nhỏ bỏ vào cái móng để xây ngôi nhà học hành cả đời. Nhưng  dù đá dăm, dù ê a vài chữ ab thì nhà trường cũng sẽ "cướp" con khỏi vòng tay mẹ sáu tiếng một ngày. Tôi vui mà buồn.

Nếu ai nói không mơ ước con học giỏi để vào Harvard, Stanford hay Ngoại thương là dối trá. Ngày xưa bố mẹ tôi oằn lưng sớm tối cho con ăn học với nguyện ước cháy bỏng con du học Nga hoặc chí ít cũng Báo chí, Luật khoa trường Tổng hợp, mong tôi thoát khỏi lũy tre làng đồng trũng đất cằn. Nay con tôi sống ở Mỹ, nơi mẹ không nhất thiết nhịn ăn nhịn mặc dành từng đồng cho con hay dùng đòn roi thúc đít con lấy thành tích này  nọ. Tôi chỉ mong trí tuệ, sức lực, đam mê của con đến đâu, hãy tận dụng đến đó. Đừng lấy khát vọng Harvard  hủy hoại tuổi thơ trong sáng của mình, mà cũng chớ nghĩ không học hành vẫn có thể thành công rồi lười biếng, ù mề. Tôi nghĩ với trẻ nhỏ, sự học như cậy kẹo mút. Thi thoảng hãy ăn một cái, ăn xong rồi nhớ súc miệng để không sâu răng . Nếu con chỉ ngồi một chỗ, miệt mài ăn hết cái này sang cái khác, không nghỉ ngơi, không đánh răng, không ăn những thứ khác, con có thể phát phì và sâu răng.

Mẹ lo con hiền bị bạn bắt nạt, bố lo con cao lớn dễ sinh thói đại ca. Người đời cho rằng bố mẹ sinh con trời sinh tính. Nhưng tính cách suy cho cùng một phần hình thành từ thói quen. Con người khó lật ngược được tính tình từ hiền thành ác từ ác hóa hiền, nhưng lòng từ tâm thì ai cũng có thể luyện mà thành. Hãy cùng luyện với con từ bây giờ, từ vỡ lòng. Bằng cách thấy bạn yếu đừng trêu, nhìn bạn đói thì sẻ bánh. Từ từ, từng chút một, rồi thành thói, thành  quen. Kinh nghiệm từ gia đình, bạn bè xung quanh khiến tôi khẳng định: môi trường gia đình là quan trọng nhất hình thành nhân cách một đứa trẻ. Bố mẹ giống phép tính mẫu, con thường lấy đó làm công thức tính theo.

Ngày mai xin bắt đầu từ hôm nay ảnh 1 Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.

Không đủ từ bi để khuyên, tôi cũng không muốn con nhẫn nhịn tới mức giơ má trái ra nếu ai đó tát con vào má phải. Tôi mường tượng một xã hội, ai bị tát cũng giơ má còn lại ra tiếp tục chịu trận, sẽ thế nào. Lặng im và nhạt nhẽo. Ngày ngày cúi người nhẹ nhàng đi về bên mép đường mọc đầy cỏ dại hoang vu. Nếu bạn đã đọc tiểu thuyết" Kiêu hãnh và Định kiến" của Jane Austen, chắc không ít lần bực mình với sự im lặng nhu nhược từ cô chị cả Jane. Thay vì kiên quyết xua kẻ xấu và bạo dạn chứng thực, tỏ lộ tình yêu của mình với Bingley, cô chỉ im lặng và khóc. Cuối cùng, sự thông minh, tinh nhạy, quyết đoán lẫn ghê gớm của nàng em gái Elizabeth đã dường như cứu cuộc tình, cứu cuộc đời Jane và cả gia đình Bennet.

Tất nhiên, chúng ta không dạy con tát lại kẻ đã tát mình bằng bàn tay bạo lực với môi bặm cùng mắt long sọc. Mà bằng sự mạnh mẽ, tự tin đứng lên tự bảo vệ, đòi công bằng cho mình và người khác. Nhà trường, gia đình, xã hội nên khuyến khích trẻ em thể hiện sức mạnh bản thân, sức mạnh trí tuệ hơn là đóng đinh trong các lời dạy khiêm tốn, nhẫn nhịn.

Tôi kể chuyện này. Một trường trung học tư nổi tiếng ở Mỹ đang có vụ lùm xùm lớn. Sau nhiều màn thi đấu, trường này đã chọn ra người xuất sắc nhất đội quần vợt của trường là một cô bé 14 tuổi. Đứng thứ hai là con một gia đình siêu giàu, nhiều thế lực, đã đóng góp cho trường hàng triệu đô la. Cô thứ hai rất muốn giữ danh số một nên đã cùng bố mẹ làm mọi cách từ ngọt đến nhạt gây sức ép với huấn luyện viên và cô bé thứ nhất. Trong khi huấn luyện viên, trước đe dọa bị mất việc đang trên đường nhắm mắt khuất phục đi vào động giả dối thì cô bé 14 nhất quyết kháng cự. Rất nhanh, học sinh này bị cô lập trong đội quần vợt và cả ở lớp ở trường. Tuần trước, em và gia đình đã viết thư  gửi hiệu trưởng và tất cả phụ huynh, nói lên nỗi uất ức của mình và cho biết vị trí thứ nhất hay thứ hai không quan trọng với em nhưng cái cách mà gia đình học sinh giàu có kia đang tìm cách giành giật vị trí ấy, cách mà huấn luyện viên và một số giáo viên vào hùa với họ khiến em không muốn từ bỏ, khiến em càng thêm ngẩng cao đầu. Nghe đâu vì xấu hổ, cô bé nhà giàu sẽ chuyển trường khác.

Vậy đấy. Chưa chắc nhường và nhịn đã là thái độ tốt nhất khi con bạn bị tấn công. Tất nhiên, tùy trường hợp mà chiến đấu hay nhường.

Một điều khác vô cùng quan trọng mà chúng tôi  nói với con mình là luôn luôn phải tôn trọng thầy giáo. Tôn sư trọng đạo, phương tây hay phương đông, đạo giáo nào cũng cần học và thể hiện điều đó. Dù con bạn thông minh tới mấy mà coi thường, hỗn láo với thầy, lớn lên rồi cũng chẳng ra gì, chẳng được ai tôn trọng. Thể nào có bạn cũng ấm ức: loại cô giáo đánh học sinh loại thầy giáo dâm dê thì làm sao tôn trọng? Thiểu số, chỉ là thiểu số. Xã hội văn minh tới đâu vẫn có thầy đồi bại. Pháp luật sẽ xử lý họ.

Mươi năm trước, khi dư luận ầm ầm phản đối Lê Vân vì cuốn tự truyện bóc tách đời tư, có bà mẹ gào lên: cầu cho con trai tôi sau này không gặp loại đàn bà hư hỏng như cô ta. Tôi có viết một bài, trong đó có ý: điều trước tiên bà nên làm là dạy con mình chung thủy, trung thực để  không phản bội vợ, phản bội gia đình. Mà một người mẹ dễ bừng nộ khí mạt sát người khác như vậy, dễ làm tôi nghi ngờ bà không biết dạy và không thể dạy nổi con mình.

Ngày mai xin bắt đầu từ ngày hôm nay. Ngày mai rất gần. Con năm tuổi bỏ móng, mười tuổi xây tường nhưng có thể hai mươi tuổi vẫn cần xây móng. Không bao giờ quá sớm hoặc quá muộn. Bố mẹ, hãy đi học cùng con.

MỚI - NÓNG