Nghẹn đắng

TP - Không còn nghi ngờ gì nữa khi người dân có thể gọi Dự án tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông như “những người thích đùa” vì thất hứa về đích tới 8 lần, còn vốn thì đội gần 40% (tiền vay ODA).

Chậm tiến độ tới gần nửa thập kỷ. Bất chấp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhiều lần đội mũ công trường đến “quyết liệt” chỉ đạo phải về đúng hẹn. Gần nửa thập kỷ, tàu vẫn trơ gan, đương nhiên chất lượng công trình mai một, công nghệ lạc hậu. Ngay thiết kế toa tàu cũng khiến dư luận mất thời gian, vì trông “sai sai”. Chẳng đi đâu xa, sang Thái Lan, Singapore hoặc các nước trong nội khối ASEAN, tàu điện trên cao dù ra đời hàng chục năm trước cũng thấy còn hiện đại hơn con tàu “bội tín” ở Hà Nội.

Rõ ràng nỗ lực từ Bộ GTVT tới cấp cao hơn là có, nhưng “tắc” ở khâu nào vẫn chưa ai chịu nói ra? Do khâu thủ tục mỗi bên làm một kiểu (theo luật pháp mỗi nước), thay vì theo luật pháp quốc tế. Hay phải chăng do nước cho vay ODA muốn dự án này thành một “con tin”? Dù thế nào, dự án đã thành nỗi quan ngại khi nhắc tới nhà thầu của nước cho vay ODA. Quan ngại tới mức khi nghe có nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, ngay lập tức thành chủ đề nóng cho dư luận với ý nghĩa tiêu cực. Trong thực tế, công nghệ Trung Quốc hay nhà đầu tư Trung Quốc nói chung “ngang tầm thế giới”, thế nhưng những gì thể hiện, điển hình qua dự án tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến người dân bất tín.

Đương nhiên, câu chuyện quản lý vốn vay ODA cũng còn phải bàn. Có những nguồn vốn vay về, chưa qua đấu giá thiết bị đã vội vàng mua sắm cho doanh nghiệp mà bộ quản lý không biết. Câu chuyện này, báo Tiền Phong đã nêu dài kỳ.

Một mai nếu tàu điện trên cao có chạy (với những thủ tục đang ở thì tương lai), chỉ e nó lại là bằng chứng sống động cho một “quả đắng” ODA. Dù cho có đăng kiểm quốc tế, nhưng với các vấn đề lịch sử để lại, người đi tàu có quyền hoài nghi về mức độ an toàn.

Cuối tháng 4 vừa rồi, Hội nghị Thượng đỉnh Vành đai-con đường diễn ra lần 2 tại Bắc Kinh với sáng kiến của Trung Quốc. Thượng đỉnh lấy ý nghĩa phát triển hạ tầng giao thông kết nối các nước làm đà thúc đẩy kinh tế; tham vọng khôi phục những con đường tơ lụa có sức ảnh hưởng như một dạng biên giới mềm. Cũng tháng 4 vừa rồi, đến hẹn, đường sắt trên cao-một con đường nhỏ chạy vắt qua Hà Nội lại thất hứa.        

MỚI - NÓNG