Ngôi mộ 172 năm dưới nền resort Sơn Trà...

Ngôi mộ 172 năm dưới nền resort Sơn Trà...
TPO - Những ngày này, khi Sơn Trà dậy sóng bởi bị “băm nát” để xây dựng resort, biệt thự, tôi lại nghĩ đến một người. Đó là người lính Mỹ nằm lại Sơn Trà từ 172 năm về trước, trước cả khi phát súng đầu tiên của liên quân Pháp – Tây Ban Nha nã vào bán đảo này ngày 1/9/1858 mở đầu cuộc xâm lăng lịch sử.

Người lính Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam ấy không biết cầm súng, mà là một thanh niên chơi nhạc trên chiến hạm USS Constitution. Cuộc đời hải quân ngắn ngủi của chàng chỉ dài 14 tháng, cho tới khi chiến hạm này cập vào biển Đà Nẵng, ngày 10/5/1845. Để rồi chết trên chiến hạm bởi căn bệnh kiết lỵ.

Thủy thủ khi qua đời trong những chuyến hải hành, thường được hải táng, với thân xác quấn trong vải buồm, cộng thêm một mớ sắt vụn cho nặng. Tuy nhiên, việc xin triều đình nhà Nguyễn cho an táng người lính nhạc William Cook trên bán đảo Sơn Trà là một biệt lệ của viên hạm trưởng già John Percival, biệt danh “Jack điên” (Mad Jack).

Người thợ mộc trên chiến hạm, ông George Thomas ghi lại trong nhật ký (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Constitution tại Charlestown – Boston, Mỹ) “William Cook qua đời và  được  chôn trên bán đảo (Sơn Trà - NV) với tất cả nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thuỷ thuỷ Cook. Đêm xuống, nhiều tàu lớn (Việt Nam) thả neo chung quanh chiến hạm, nhưng không quá gần ...”.

Dài dòng như vậy, chỉ để nói rằng: Khu nghỉ dưỡng Sơn Trà mà Công ty CP Biển Tiên Sa đang xây dựng gây dư luận bức xúc những ngày qua, đã “nằm đè” lên chàng lính nhạc William Cook. Chính xác hơn là đã xóa sổ mộ phần người lính đặc biệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam !

Ông Đặng Hòa, chủ DNTN Hoàng Giang hoạt động về du lịch tại Đà Nẵng, là người duy nhất vào tháng 4/2000 đã dùng thuyền chở đoàn nhà báo Mỹ ra bãi Tiên Sa - Sơn Trà đi tìm mộ William Cook. Thiên phóng sự “Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook” (The Search For Seaman Cook) của nhà báo Perter Kneisel sau đó ra đời trên tạp chí Boston Globe thu hút quan tâm của nhiều người Mỹ.

Chúng tôi, cuối cùng đã được một phút yên lặng với William Cook… Tấm bia nhỏ khắc tên Cook được đặt trong một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi bờ đá thấp. Ngôi miếu nhỏ có khắc hình chiếc ghe buồm được dân làng gọi là “chùa Mỹ”… Có lẽ không một yếu tố nào trong câu chuyện hấp dẫn đến nỗi chúng tôi phải bôn ba nữa vòng trái đất để đi tìm. Percival chôn cất thủy thủ của ông ta tại hàng tá hải cảng ngoại quốc trong suốt 2 năm hải hành vòng quanh thế giới. Nhưng bởi vì đây là Đà Nẵng – thành phố quen thuộc với hàng trăm ngàn cựu chiến binh, những người từng đặt chân qua đây suốt bảy năm dài của cuộc chiến tranh…”.  

Ký giả Perter Kneisel, sau đó trong cuốn Globe Guidebook đã vẽ nên một viễn ảnh đẹp, rằng tại nơi đây thành phố Đà Nẵng sẽ dựng một đài tưởng niệm đánh dấu sự hợp tác giữa quốc gia William Cook đã phục vụ và đất nước đã dành cho ông nơi an nghỉ cuối cùng. Điều đó sẽ góp phần giúp du khách quan tâm hơn tới Đà Nẵng !  

Hôm qua, nhà văn Trần Trung Sáng - người viết lại câu chuyện này từ nhiều năm trước, đã giúp tôi liên hệ với ông Đặng Hòa. Ông Hòa từng là cựu binh Sư đoàn thép số 2 Quảng Đà. Trong vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn xảy ra đầu tháng 6/2016, tàu của ông được thành phố khen thưởng vì dũng cảm tham gia lặn vớt cứu sống 53 hành khách trong đêm tối.

Giọng ông Hòa cho đến bây giờ cũng không giấu được nỗi thất vọng. Ông kể, khoảng 10 năm trước, hay tin dự án Tiên Sa được quy hoạch xây dựng tại đây, ông đã “cấp báo” về ngôi mộ cổ lịch sử nhưng nhận lại là sự thờ ơ. Biết không thể cứu vãn, ông vội vàng gom những gì còn lại của ngôi mộ bỏ lên tàu chạy về khu vực bãi Đá Đen còn chưa bị quy hoạch để lưu giữ tạm thời. Ý tưởng nung nấu từ đầu những năm 2000 về một điểm đến du lịch khám phá gắn với lịch sử độc đáo quan hệ Việt – Mỹ từ 172 năm trước, với ngôi mộ cổ có một không hai, cuối cùng tan thành mây khói.

Ông Hòa bảo, hồi đó ông đã tính cùng bạn bè phục dựng mô hình chiến hạm USS Constitution. Chiến hạm đầu tiên và lừng danh nhất lịch sử Hải quân Hoa Kỳ, được đóng từ 1.500 loại thân cây chọn lọc từ khắp nước Mỹ. Thành tàu rắn tới mức có giai thoại cho rằng đại bác bắn vào phải ... dội ngược trở lại (!). Cái tên “Thành Sắt Cổ” (Old Ironsides) cũng từ đấy mà ra. Hiện có hẳn một bảo tàng mang tên chiến hạm này tại Boston (Mỹ), rất được du khách quan tâm.

Sơn Trà, tôi nghĩ không phải lá phổi, mà là trái tim thành phố. Lại có dáng dấp như một ban thờ để hướng ngưỡng tâm linh về nguồn cội thiên nhiên, Đất-Nước, núi sông. Khi con người hiện đại đang xóa đi mọi dấu vết về sự tích chính mình bởi sự tham lam, ích kỷ.

Chúng ta trầm trồ, thèm muốn những món đồ cổ vài trăm năm. Nhưng thử nhìn lại xem viên sỏi dưới chân hay vách núi trước mặt. Chúng mới chính là những “đồ cổ” đích thực với tuổi đời tính bằng triệu năm. Chúng âm thầm lưu giữ cho chúng ta thời gian và những dấu chân tổ tiên. Thế nhưng từng chúng đang từng ngày bị nổ mìn, nung vôi, nghiền xi măng, làm vật liệu san lấp mặt bằng để xây nên những tòa nhà bê tông kín mít, vô hồn.

Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn
Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung

MỚI - NÓNG